Bất hợp lý nêu trên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại báo cáo vừa hoàn tất về hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến cao tốc được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam, do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI) làm chủ đầu tư với nguồn vốn vay trong - ngoài nước và thông xe vào cuối năm 2015.
Theo Kiểm toán Nhà nước, do thay đổi tổng mức đầu tư và một số chỉ tiêu nên năm 2014, chủ đầu tư đã lập lại phương án tài chính. Phương án điều chỉnh dù đã được Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) thẩm tra, Bộ Giao thông vận tải thẩm định, song vẫn bỏ sót một số nguồn thu, hỗ trợ thực tế nên chưa đủ cơ sở để đảm bảo khả năng hoàn vốn, phát huy hiệu quả kinh tế.
Nợ gốc của dự án tính đến hết năm 2015 là 27.558 tỷ nhưng trên phương án tài chính, khoản này lại được xác định là hơn 32.120 tỷ, chênh lệch hơn 4.500 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào theo số liệu tính đến 30/9/2016, Kiểm toán Nhà nước xác định thời gian thu phí hoàn vốn thực tế của dự án có thể giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án mà chủ đầu tư đang trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định (28 năm 8 tháng).
Trao đổi, ông Đặng Văn Tâm - Phó tổng giám đốc VIDIFI thừa nhận khoản chênh lệch nêu trên. Lý do chủ đầu tư chưa điều chỉnh phương án tài chính để rút ngắn thời gian thu phí là bởi tính đến cuối năm 2016, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa tiến hành thẩm tra quyết toán. "Sắp tới, doanh nghiệp sẽ trình Bộ thẩm tra thanh quyết toán để có kế hoạch điều chỉnh phương án tài chính, trong đó có việc giảm thời gian thu phí hơn một năm so với trước", ông Tâm cam kết.
Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra phương án tài chính điều chỉnh của chủ đầu tư lập năm 2014 "quên" không tính lãi vay, chi phí trượt giá trong thời gian khai thác, vận hành dự án và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức. Lãnh đạo VIDIFI giải thích do trước đó, Chính phủ dự kiến cho doanh nghiệp chuyển 300 triệu USD từ vay ngân hàng nước ngoài sang vốn Chính phủ, nên phương án tài chính đã không tính đến khoản lãi vay này. "Thực tế chúng tôi vẫn phải vay số tiền này từ nước ngoài và trả lãi", đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá một số gói thầu của dự án chưa thiết kế đầy đủ các hạng mục công trình để kết nối giữa các tòa nhà và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh (điện, nước), thiếu các hạng mục cần thiết để đưa tòa nhà vào hoạt động, dẫn đến phải bổ sung trong quá trình thi công. Sai sót trong thiết kế đã làm tăng giá trị dự toán lên gần 10,2 tỷ đồng. Trong đó, sai khối lượng so với hồ sơ thiết kế và quy định khoảng 4,8 tỷ đồng; sai đơn giá vật liệu, đơn giá thi công không đúng với thiết kế thi công được phê duyệt số tiền 4,5 tỷ…
Với những tồn tại nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị VIDIFI xử lý tài chính chi phí đầu tư 325 tỷ đồng, gồm giảm thanh toán gần 34 tỷ, giảm phí đầu tư công trình tính vào quyết toán hợp đồng BOT, chuyển sang dự án chi phí vay do hạch toán chưa đúng gồm 186 tỷ đồng và xử lý khác là 105 tỷ đồng.
VIDIFI được yêu cầu tiếp tục đôn đốc thu hồi về dự án số tiền 357 tỷ đồng từ khoản tạm ứng trước đó để xây khu tái định cư trên các địa bàn cao tốc chạy qua...
Khẳng định sẽ tuân thủ kiến nghị của kiểm toán, song với khoản chi phí giải phóng mặt bằng, ông Đặng Văn Tâm cho biết ở dự án này, Nhà nước cam kết hỗ trợ phần tiền giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng song đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được. Tiền giải phóng mặt bằng hoàn toàn do VIDIFI ứng ra, trong đó có 375 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư vẫn chưa được các địa phương chi trả theo cam kết.
Theo quyết định phê duyệt dự án đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ, lãi vay trên 7.700 tỷ đồng… Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, gồm 6 trạm thu phí. Kế hoạch ban đầu dự án khởi công tháng 9/2008, hoàn thành tháng 4/2012. Tuy nhiên thực tế dự án này được khởi công tháng 5/2008 nhưng tới tháng 12/2015 mới hoàn thành, chậm hơn 3 năm so với kế hoạch. |