Tình trạng tảo hôn gia tăng vì đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng kinh tế và các yếu tố khác dẫn đến tình trạng tảo hôn và chết trẻ ở các thiếu nữ.
Tình trạng tảo hôn gia tăng vì đại dịch

Sapana mơ ước trở thành một quan chức chính phủ. Mỗi đêm, trong túp lều dọc theo con đường đất gập ghềnh, cô gái 17 tuổi thắp sáng một bóng đèn chạy bằng năng lượng mặt trời treo lủng lẳng trên trần nhà và đọc sách, vạch ra một tương lai khác nhiều so với tương lai của mẹ cô.

Nhưng khi đại dịch COVID-19 len lỏi khắp Nepal, khiến các trường học đóng cửa, ước mở của Sapana trở nên xa vời. Bị mắc kẹt làng và không có nhiều việc phải làm, cô đã kết bạn với một thanh niên thất nghiệp.

Họ đã yêu nhau rồi chẳng bao lâu sau đi đến kết hôn. Hiện tại, Sapana đã từ bỏ ước mơ trở thành viên chức cũng như không có kế hoạch quay lại trường học.

“Mọi chuyện có thể đã khác nếu tôi vẫn được đi học", Sapana vừa nói vừa cho cậu con trai 2 tháng tuổi bú sữa.

Câu chuyện Sapana ở một thị trấn nhỏ ở Nepal chỉ là ví dụ tiêu biểu trong vô vàn trường hợp xảy ra với những cô gái trên khắp các nước đang phát triển. Liên Hợp Quốc cho biết nạn tảo hôn đang gia tăng ở mức báo động và đại dịch đã đẩy lùi nhiều năm tiến bộ của quá trình giúp các trẻ em gái tới trường.

Tình trạng tảo hôn gia tăng vì đại dịch ảnh 1

Vì đại dịch COVID-19, Sapana đã từ một nữ sinh trở thành một bà mẹ trẻ. Ảnh: NY Times

Trong một báo cáo được công bố đầu tuần này, UNICEF dự đoán sẽ có thêm 10 triệu trẻ em gái trong thập kỷ này có nguy cơ tảo hôn. Bà Henrietta Fore - giám đốc điều hành của UNICEF, cho rằng dịch bệnh "đã khiến tình hình vốn đã khó khăn của hàng triệu cô gái trở nên tồi tệ hơn”.

Một điều đáng chú ý là các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đang nhận thấy mối liên hệ rõ ràng giữa nạn tảo hôn và tình trạng chết trẻ.

Theo WHO, các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi ở các nước đang phát triển, kéo theo đó là những đứa trẻ sơ sinh có khả năng sống sót thấp hơn hẳn.

Các chuyên gia cho biết đại dịch đã làm gia tăng các yếu tố thúc đẩy tảo hôn, chẳng hạn như thiếu giáo dục, khó khăn kinh tế, cái chết của cha mẹ và mang thai ở tuổi vị thành niên.

Nankali Maksud, cố vấn cấp cao của UNICEF, cho biết: “COVID-19 chắc chắn đã khiến chúng ta đi lùi".

Trong một số trường hợp, các thiếu nữ bị cha mẹ hoặc các nhân vật có thẩm quyền khác ép buộc phải kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn. Nhưng các chuyên gia cũng lo lắng về những cô gái trẻ, vì tác động của đại dịch, đã phải bỏ học và coi kết hôn sớm là lựa chọn duy nhất của họ, qua đó từ bỏ quyền được giáo dục và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

UNICEF ước tính rằng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ còn sống ngày nay đã kết hôn khi còn nhỏ. Những người ủng hộ quyền trẻ em cảnh báo các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Nigeria, Kenya, Ethiopia và Malawi đang ghi nhận tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng gấp ba lần.

Ở Nepal, nơi độ tuổi hợp pháp để kết hôn là 20, tình hình có vẻ đặc biệt nghiêm trọng. Những vấn đề đan xen đặc thù của đất nước và thời điểm này khiến nhiều phụ nữ trẻ khó tránh khỏi nạn tảo hôn.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Nepal sống dựa vào kiều hối và du lịch. Đại dịch đã tàn phá cả hai. Thông thường, vào thời điểm này trong năm, khách du lịch nước ngoài sẽ lên núi để bắt đầu những chuyến đi đắt đỏ vào Dãy Annapurna và lên các sườn của Đỉnh Everest. Năm nay, dòng tiền chảy vào nền kinh tế Nepal đã cạn kiệt.

Hàng triệu người lao động từ Nepal làm việc ở nước ngoài, họ thường là đầu bếp, tạp vụ, giúp việc, bảo vệ và bảo mẫu ở Ấn Độ hoặc Trung Đông. Năm 2019, Nepal nhận được 8,25 tỷ USD từ nguồn kiều hối. Nhưng với cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19, dòng chuyển tiền này cũng bị thu hẹp lại. Các thanh niên Nepal, nhiều người trong số họ còn độc thân, gần đây đã trở về nhà.

Tình trạng tảo hôn gia tăng vì đại dịch ảnh 2

Các trường học tại Nepal đã mở cửa trở lại từ đầu năm nay. Ảnh: NY Times

Nhiều người khác đã mất việc làm tại các thành phố lớn tại Nepal. Rất nhiều thanh niên bây giờ đi lang thang quanh các ngôi làng trên sườn núi của họ, chán nản và rỗng túi. Đó là cách Sapana gặp Hardas, chồng cô.

Hardas, cho biết anh khoảng 20 tuổi, từng làm thợ xây, thường xuyên ở các thành phố như thủ đô Kathmandu và Nepalgunj. Nhưng sau khi bị sa thải vào tháng 4 năm ngoái, khi đại dịch bùng phát, Hardas trở về quê nhà Rapti Sonari, một thị trấn nhỏ với khoảng 10.000 người.

Cha của Sapana, ông Ram Dayal, đã mua một chiếc xe kéo tự động ngay trước khi Nepal tiến hành phong tỏa. Giờ đây, người đàn ông này phải gánh một khoản nợ 30.000 rupeeh (khoảng 250 USD) hàng tháng và hầu như không có khách hàng.

Ông Dayal không vui khi con gái lấy chồng sớm, nhưng ông thừa nhận rằng việc cô rời khỏi nhà sẽ giúp ông giảm bớt gánh nặng tài chính bởi ông còn 5 miệng ăn khác phải lo.

“Con bé sẽ có cuộc sống tốt hơn nếu học hết lớp 10", ông nói.

Ghumni, mẹ của Sapana, cũng đồng ý với chồng bởi bà cũng lấy chồng từ khi còn rất trẻ.

Các nhà hoạt động chống tảo hôn nói rằng họ đang làm việc trong những điều kiện khó khăn nhất từng phải đối mặt. Nepal đã áp đặt những hạn chế khắc nghiệt đối với việc di chuyển bằng xe cộ.

Một số người nói rằng số lượng các cuộc tảo hôn trong khu vực của họ đã tăng gấp đôi hoặc gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch.

Hira Khatri, một nhà hoạt động chống tảo hôn trong khu vực, cho biết công sức bấy lâu của mình và các cộng sự gần như đổ vỡ.

Hai năm trước, bà Khatri đã can thiệp và ngăn chặn 7 cuộc tải hôn trong làng của mình, tuy nhiên điều này không khiến bà được nể trọng. Nhiều gia đình ở Nepal chỉ muốn gả con gái sớm, một số gia đình thậm chí còn dọa giết hoặc ném bao cao su vào nhà để sỉ nhục bà Khatri.

Cảnh sát và các nhà chức trách cũng không quá mặn mà trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn.

Om Bahadur Rana, một quan chức cảnh sát ở thành phố Nepalgunj cho biết: “Tảo hôn là cáo buộc hình sự nghiêm trọng. Nếu chúng tôi đệ đơn kiện một người vì tảo hôn, điều đó có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội kiếm được việc làm của những người trẻ tuổi”.

Trên khắp miền trung Nepal, nhiều gia đình đã phải chấp nhận gả con gái cho người khác vì không đủ khả năng nuôi con.

Mayawati, 17 tuổi, cũng sống ở thị trấn Rapti Sonari, mơ ước được học ngành nông nghiệp. Nhưng sau khi thấy cha mẹ phải vất vả nuôi mình và các em trong thời điểm đại dịch, cô đã bỏ học và kết hôn với một người đàn ông.

Những ước mơ của Mayawati cũng lặng lẽ trôi đi.

“Chúng tôi không có tiền. Làm thế nào tôi có thể tiếp tục việc học của mình được?", cô gái phân trần.

Mayawati nói rằng hầu hết những người bạn của cô đã kết hôn và mang thai trong thời gian phong tỏa đất nước.

Một số người ở Nepal vẫn cho rằng tảo hôn là một phong tục tốt. Một số người lớn tuổi trong cộng đồng Madhesi, sống ở vùng đồng bằng phía nam gần biên giới Ấn Độ, cho biết họ đã làm giả giấy khai sinh của con gái mình để tránh gặp rắc rối.

“Con gái lấy chồng sớm là chuyện mừng. Đó là phong tục của chúng tôi”, theo bà Mina Kondu, người đã phải tăng tuổi cho con gái từ 16 lên 19. “Cảnh sát không thể ngăn chúng tôi.

Bà Kondu cho rằng nếu gia đình không sắp xếp cho con gái họ kết hôn, các cô gái cũng sẽ tự động tìm chồng cho mình, và như vậy sẽ khiến nhà gái mất danh dự.

Quay trở lại với câu chuyện của Sapana, gia đình cũng đã chấp nhận cuộc hôn nhân gần đây của cô. Trong khoảng vài tháng, Sapana chuyển từ việc học ở trường sang chăm sóc em bé và chồng mới của mình.

Mỗi ngày, cô ra đồng cắt cỏ để cho 4 con trâu trong nhà ăn, cô giặt quần áo, nấu cơm và làm bánh mỳ.

“Tôi không thể hoàn thành việc học của mình, đó là sự thật. Con trai tôi sẽ làm điều đó thay tôi. Chỉ mong rằng nó sẽ kết hôn khi đã hoàn toàn trưởng thành", cô gái trẻ ngập ngừng nói.

Theo NY Times
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).