Tòa xét hỏi các bị cáo, ông Đinh La Thăng bị cách ly

(Ngày Nay) -Chiều 8/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án “cố ý làm trái…, Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chuyển sang phần xét hỏi.
 
Bị cáo Vũ Đức Thuận trả lời Hội đồng xét xử.
Bị cáo Vũ Đức Thuận trả lời Hội đồng xét xử.

Trước khi HĐXX thẩm vấn các bị cáo khác trong vụ án, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải về phòng cách ly.

Bị cáo “mở màn” cho phiên xét hỏi là Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC. Được hỏi về hợp đồng EPC số 33 giữ PVC và PV Power để xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thuận khai biết hợp đồng chưa đầy đủ trước khi đặt bút nhưng vẫn ký vì việc này đã xin ý kiến Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh và ký để tạo công ăn việc làm cho PVC.

Bên cạnh đó, ông Thuận cho biết thời điểm đó PVC đang rất khó khăn về tài chính lại nhận lại một số dự án từ các thành viên của PVN nên muốn ký hợp đồng để lấy tiền trả nợ ngân hàng và dùng cho mục đích khác.

Thẩm phán nêu câu hỏi: “Như vậy cứ ký trước, lấy tiền rồi hoàn thiện sau?”. Ông Thuận trả lời dứt khoát: “Đúng”, đồng thời thừa nhận việc ký hợp đồng EPC trên là sai.

Được hỏi về cách tính đơn giá 1,2 tỷ USD của hợp đồng EPC số 33 nói trên, ông Thuận cho biết đơn giá trên dựa vào tham khảo các nhà máy khác và chỉ là con số tạm tính và dự kiến là ký trước, hoàn thiện sau. Đáng chú ý, Vũ Đức Thuận nói thêm, dù PVC là đơn vị chuyên ngành xây lắp nhưng để thực hiện dự án như Thái Bình 2 thì chưa thực hiện nhiều. “PVC chưa đủ năng lực, điều kiện để thi công” – bị cáo trả lời.

Về việc chi tiền tạm ứng cho Thái Bình 2 vào các dự án khác, ông Thuận trả lời ngay khi khởi công dự án vào ngày 1/3/2011, Thuận cùng Trịnh Xuân Thanh đòi tạm ứng nhưng phía PV Power không tạm ứng theo đề nghị. Khi được nhận tiền, các bị cáo đã chi không đúng mục đích.

“Lúc đó, do PVC khó khăn về tài chính, phải trả gốc lãi ngân hàng, đầu tư vào các đơn vị nên PVC đã dùng tiền tạm ứng đi trả nợ ngân hàng, góp vốn vào các đơn vị khác…” – Vũ Đức Thuận nói.

Bị cáo Thuận giải thích thêm: “Nhận thức cá nhân bị cáo chưa hiểu rõ việc này là sai và có áp lực trả nợ ngân hàng đồng thời có nghị quyết của HĐQT nên bị cáo đã dùng khoản tiền đó chuyển cho các đơn vị khác. Việc góp vốn ra ngoài đều thông qua HĐQT và có sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh… Nay bị cáo hiểu rõ những hành vi của bị cáo là sai".

Tương tự, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC khai PVC đã sử dụng sai mục đích số tiền tạm ứng theo hợp đồng EPC số 33. Việc ký hợp đồng số 33 được ông Quý căn cứ vào chủ trương của PVN đã chỉ định thầu cho PVC và các báo cáo của phòng ban cấp dưới. Tuy nhiên, bị cáo Quý không thừa nhận mình tham gia ứng – chi tiền tạm ứng từ dự án Thái Bình 2. Ngược lại, thẩm phán Trương Việt Toàn công bố một số lời khai tại CQĐT cho thấy ông Quý bỏ phiếu đồng ý việc chi tiền.

Theo Tiền Phong
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.