Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 18/6, tại thủ đô Berlin, Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Dresden (Đức) dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu và Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu.
Sự kiện diễn ra 2 năm một lần này là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ và quảng bá tà áo dài Việt Nam, qua đó tăng cường gắn kết cộng đồng và lan tỏa văn hóa Việt Nam tới người dân sở tại.
Cuộc thi cũng nhằm khuyến khích thế hệ trẻ người Việt sống ở nước ngoài biết và thêm yêu tà áo dài dân tộc, đồng thời hướng về quê hương đất nước.
Tuy nhiên, sau thành công của lần tổ chức đầu tiên tại thành phố Praha, Séc hồi năm 2018, cuộc thi lần thứ hai dự kiến diễn ra vào năm 2020 đã phải hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh, năm 2022 sự kiện mang tầm cỡ châu lục này mới được tổ chức lại.
Thay đổi một chút so với lần đầu tiên là cuộc thi “Áo dài phu nhân toàn châu Âu,” năm nay cuộc thi có tên là “Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu” với chủ đề chính là “Áo dài Hà Nội những năm 1960.”
Ngoài các tiêu chí như độ tuổi từ 35 trở lên, đã có gia đình và không phân biệt quốc tịch, các thí sinh tham gia phải có hoạt động tích cực trong phòng trào cộng đồng và được đông đảo cộng đồng yêu mến.
Bà Đặng Bích Lan - Chủ tịch CLB Phụ nữ Dresden, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN) |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Đặng Bích Lan, Chủ tịch câu lạc bộ phụ nữ Dresden và vùng lân cận, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ ngoài việc tôn vinh văn hóa truyền thống của người Việt, cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu còn muốn ca ngợi sự duyên dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua tà áo dài và kết nối các phu nhân trong “ngôi nhà chung châu Âu,” cùng nhau chung tay góp sức, giúp những mảnh đời kém may mắn ở trong nước cũng như tại các nước sở tại ở châu Âu.
Thông qua cuộc thi, các thế hệ thứ hai, thứ ba có thể hiểu hơn về những người chị, người mẹ, người vợ, người bà của mình đã rất lam lũ, vất vả để vun vén cho ngọn lửa ấm áp của gia đình. Đó chính là ngọn lửa yêu thương để trân trọng, nuôi dưỡng truyền thống của cội nguồn.