Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 1
Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 2

Dù chưa có một tài liệu khẳng định chính xác, nhưng phần đông giới sử học và văn hóa học Việt Nam đều cho rằng áo dài được sáng tạo dựa trên hình ảnh người Việt cổ mặc áo dài xẻ tà tung bay trên mặt trống đồng Ngọc Lũ thời Đông Sơn. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng trang phục này lấy cảm hứng từ chiếc áo dài cách tân màu hổ phách của các anh hùng liệt nữ như Bà Trưng, Bà Triệu và các bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

Trên thực tế, mãi cho đến thế kỷ 18, khi Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) ban sắc dụ về “quốc phục” của người phương Nam, cái tên “áo dài” mới được xuất hiện trong các văn kiện lịch sử chính thức.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 3

Với sắc dụ này, Chúa Võ ngầm khẳng định tính độc lập và nét đặc trưng riêng về lối ăn mặc ở Đàng Ngoài so với Đàng Trong. Từ đó mà ra đời chiếc áo dài Giao lĩnh (hay còn gọi là áo dài Đối lĩnh) và nhanh chóng trở thành y phục của mọi tầng lớp xã hội. Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công rất lớn để có được chiếc áo dài, vị thế áo dài như ngày hôm nay.

Bước vào giai đoạn cuối thế kỷ 18, nhờ sự phát triển của ngành dệt may dưới thời Lý - Trần, chiếc áo Tứ thân và Ngũ thân lần lượt được ra đời. Có thể nói, sự kết hợp giữa áo tứ thân cùng yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao đã trở thành biểu tượng cho những “liền chị” quan họ Bắc Ninh ngày nay.

Kiểu áo Tứ thân gồm có hai vạt, bốn tà, hai tay áo và không có khuy. Thân áo dài từ cổ buông xuống quá đầu gối, làm nổi bật dáng hình gọn gàng, thon thả của người phụ nữ. Do kỹ thuật dệt thời kỳ này còn thô sơ, khổ vải chỉ dài từ 35 – 40 cm nên những người thợ may phải ghép chúng lại, tạo thành hai vạt trước, sau. Vạt trước có hai tà không may liền, thường để buông hoặc thắt lại; trong khi vạt sau cũng chia làm hai nhưng được nối với nhau thành đường sống áo, đây là nguồn gốc của tên gọi “Tứ thân”.

Đến những năm 1800, một cải tiến của áo Tứ thân được tầng lớp phụ nữ thượng lưu ưa chuộng là áo Ngũ thân. Đây là kiểu trang phục được may từ năm mảnh vải, chia thành hai thân trước, hai thân sau và một thân cụt ẩn phía trong. Bốn thân áo trước – sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong là đại diện của người con. Phần cổ được may dáng đứng khá chi tiết và cài khuy kín. Năm cúc cài biểu trưng cho đạo lý làm người của dân tộc ta là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Áo Ngũ thân mang màu sắc nhã nhặn, không có viền cổ lẫn viền tay và thường mặc kèm áo lót trắng để làm nền, thể hiện quan niệm truyền thống về cái đẹp. Đặc biệt nhất phải kể đến kỹ thuật ghép hoa văn trên sống áo và đường may thẳng, nhỏ, đều, có tính thẩm mỹ cao.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 4

“Sự tinh tế còn thể hiện trên kỹ thuật may, như ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về góc độ mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa phù hợp với công năng sử dụng vừa có thẩm mỹ", họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhận định.

Đến nửa đầu thế kỷ XX, khi văn hóa phương Tây dần du nhập vào nước ta, những chiếc áo Tứ thân, Ngũ thân cũng được chỉnh sửa, sàng lọc và làm mới lại thành một phiên bản khác có tên “LeMur”. Đây là kiểu áo được họa sĩ Cát Tường hoàn thiện dựa theo các chi tiết trên y phục Tây Âu như thiết kế ôm sát, tay bồng, viền cổ sen, nhún bèo… Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính, đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tươi sáng mặc kết hợp với quần trắng. Tuy nhiên, LeMur chỉ tồn tại được đến năm 1943 vì không thực sự phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt lúc bấy giờ.

Lấy cảm hứng từ LeMur, hoạ sĩ Lê Phổ sau đó đã tạo được tiếng vang lớn khi cho ra mắt kiểu áo dài có sự dung hòa giữa váy phương Tây với áo Tứ thân truyền thống. Ông cải tiến đường nét áo trở nên thanh mảnh bằng cách cắt bỏ phần tay phồng, những chi tiết đặc sắc của áo Ngũ thân như: phần cổ áo cài khuy, tay áo thẳng đều được giữ lại để tôn vinh vẻ kín đáo của phụ nữ Việt. Thiết kế mới này không chỉ đem lại cảm giác thoải mái mà còn giúp tôn vinh nét đẹp truyền thống dân tộc. Nhờ đó mà áo dài Lê Phổ đã trở thành xu hướng thời trang trong giai đoạn 1950.

Rồi áo dài Raglan (một số nơi gọi là Giắc-lăng) xuất hiện vào những năm 1960 được thiết kế bởi Nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn dần thịnh hành. Về tổng thể, tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách, tà trước nối tà sau bằng hàng nút bấm dọc bên hông. Chi tiết này khiến áo trở nên phẳng phiu, ôm khít cơ thể người phụ nữ mà vẫn tạo cảm giác thoải mái khi vận động.

Như vậy, lịch sử áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều lần biến thể trong phong cách sáng tạo, cách tân từ kiểu dáng đến chất liệu… Điều này thể hiện sự giao thoa, hội nhập văn hóa của con người Việt Nam, hình thành văn hóa áo dài tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống dân tộc.

Đến thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới cũng là lúc văn hóa Hippie được du nhập vào Việt Nam. Hướng ứng lối sống phóng khoáng tự do, áo dài cũng dần được cách tân ngắn hơn với chất liệu mỏng nhẹ, màu sắc sặc sỡ và nhiều họa tiết sinh động.

Năm 1995, tà áo dài Việt Nam lần đầu được trao danh hiệu “Trang phục truyền thống đẹp nhất” tại Tokyo, Nhật Bản. Tà áo dài gấm màu xanh mang đậm nét truyền thống mà Trương Quỳnh Mai đem đi dự Miss International năm ấy đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho hội đồng giám khảo lẫn bạn bè quốc tế. Kể từ thời điểm đó, áo dài đã trở thành một “sứ giả” lan tỏa những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

Bước sang thế kỷ 21, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ từ quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang quốc nội, áo dài Việt Nam trở nên thời thượng hơn nhưng vẫn giữ nguyên nét tinh tuý ban đầu.

“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời

Thân sau vạt trước nên lời nước non.” – Văn Tiến Lê.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 5

Vượt qua giới hạn trong vai trò một sản phẩm may mặc thông thường, áo dài là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng cho vẻ đẹp và cốt cách thanh tao của người phụ nữ Việt Nam.

Trong hành trình cải tiến, làm mới chính mình, tà áo dài Việt đã hình thành những chuẩn mực mới nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên tinh thần dân tộc vốn có. Từ chất liệu, màu sắc đến kiểu dáng, họa tiết trang trí, áo dài đều thể hiện quá trình tiếp thu và phát triển của hơi thở thời đại mới. Với thiết kế vừa vặn, kín đáo, áo dài vừa tôn được dáng hình mềm mại, vừa toát lên vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch của người phụ nữ An Nam. Cách cấu trúc của áo dài còn ẩn dụ ý nghĩa dạy dỗ về đạo làm người “Nhân, Lễ, Nghĩa, Chí, Tín” của bậc tiền nhân, thể hiện giá trị thẩm mỹ truyền thống sâu sắc.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 6

Như vậy, áo dài không chỉ là một loại trang phục, mà còn là một nét son trong văn hóa Việt, chuyên chở nhân sinh quan Việt Nam, một biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam: “Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa, gạn lọc cặn bã, vun đắp thêm cái đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập”. Chiếc áo dài đã trở thành một biểu tượng trang phục kiêu hãnh của người Việt Nam.

Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực không ngừng và tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, nhiều nhà thiết kế Việt đã cách tân, khoác lên chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Đơn cử như nhà thiết kế Sĩ Hoàng - người sử dụng tranh vẽ Việt Nam làm hoạ tiết trên thân áo; Minh Hạnh, người dẫn đầu trong ngành công nghiệp thời trang, đã may áo bằng thổ cẩm dân tộc. Hay nhà thiết kế Võ Việt Chung - người làm “sống dậy” chất liệu vải từng mai một - được UNESCO trao danh hiệu người có công khôi phục, phát triển Lãnh Mỹ A và giữ gìn truyền thống văn hoá qua áo dài vào năm 2007. Thiết kế của anh không chỉ ấn tượng bởi kiểu dáng tinh tế mà còn bởi cái hồn dân tộc ẩn bên trong.

Gần đây nhất, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn cho ra đời bộ sưu tập áo dài cách tân độc đáo nhờ vận dụng sáng tạo chất liệu gấm truyền thống.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 7

Tựa lời khẳng định “chủ quyền” với tà áo mang dáng hình xứ sở nước Việt, áo dài đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Thực tế là, vào năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từng khởi động “Dự án chọn lễ phục nhà nước” với mẫu lễ phục áo dài nữ và nhận được 100% ủng hộ. Đến giữa năm 2020, Hội thảo khoa học với chủ đề “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” được tổ chức nhằm có cái nhìn nhìn cặn kẽ, sâu sắc hơn giá trị của áo dài, hướng đến việc giữ gìn và bảo tồn nó như một di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những nỗ lực để ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ áo dài trình UNESCO theo Công ước năm 2003. Đây không phải là một ý tưởng mới mẻ, nhưng nó ngày càng trở nên cấp thiết trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi xảy ra sự việc nhà thiết kế nước ngoài sao chép thiết kế áo dài của Việt Nam.

Cụ thể, tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 khai mạc ở Bắc Kinh ngày 25/10/2018, thương hiệu Ne·Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế “lấy cảm hứng” từ thiết kế áo dài truyền thống của Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo của nhà thiết kế”.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 8

Qua sự việc này, nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy cũng như nâng cao nhận thức về giá trị của áo dài, nguyên Quyền Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ: “Việc khẳng định bản quyền áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết và nhanh chóng thực hiện.”

Thế nhưng, con đường đến với di sản của áo dài Việt Nam có lẽ còn nhiều gian truân. Bởi muốn kiện toàn hồ sơ để trình UNESCO, đầu tiên áo dài phải trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là “quốc phục” về mặt văn bản pháp lý. Chúng ta không chỉ có một vật thể là chiếc áo dài, mà cần phải có các không gian dành cho nó, như là không gian thủ công của nghề may áo dài, không gian mặc áo dài, rồi không gian văn hóa của áo dài…

“Để làm một hồ sơ nói chung về danh sách phi vật thể và hồ sơ áo dài nói riêng có nhiều khó khăn, thách thức. Mọi người đều nghĩ, áo dài Việt Nam rất xứng đáng. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về di sản, các nhà sưu tầm để xem giá trị phi vật thể áo dài là gì để có thể xác định rõ ràng các yếu tố, đưa vào hồ sơ”. - PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam.

Áo dài: 'Sứ giả' văn hóa tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt ảnh 9

Còn Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lại có góc nhìn có phần lạc quan hơn: “Dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam, nhưng từ lâu nó được đa số nhân dân mặc định là áo dài dân tộc hay trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam”.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn chỉ rõ áo dài không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho biết thêm: Đối với UNESCO, lịch sử truyền thống là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là truyền thống đó được sử dụng như thế nào trong đời sống đương đại. Áo dài của Việt Nam có một lịch sử lâu đời, trong bối cảnh hiện thời, áo dài có tác động với văn hóa, xã hội và con người Việt Nam là điều UNESCO quan tâm. Mặt khác, đời sống của di sản trong xã hội đương đại và đóng góp của di sản đó trong cuộc sống đương đại, đó là điểm nhấn mà UNESCO mong muốn các di sản thể hiện và họ sẽ tôn vinh các di sản phi vật thể đại diện theo một trong những tiêu chí quan trọng đó.

Do vậy, dù áo dài có hay không thuộc danh mục di sản thì giá trị vẫn là như nhau và trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ. Mục tiêu của việc đưa áo dài vào danh mục di sản là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để bảo tồn tốt hơn. Bởi thực tế cho thấy, nhiều khi chính cộng đồng sở hữu – vì vô tình và thiếu hiểu biết – lại là đối tượng xâm hại di sản đầu tiên, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bài: Thùy Dung

Thiết kế: Minh Hiếu

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.