Trong tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Duda cho rằng dự luật cải cách này sẽ không làm cho hệ thống tư pháp trở nên vững mạnh, đồng thời khẳng định ông sẽ phủ quyết 2 trong 3 dự luật liên quan đến cải cách hệ thống tòa án.
Tổng thống Duda nêu rõ: "Tôi đã quyết định sẽ gửi lại Hạ viện, điều này có nghĩa rằng tôi sẽ phủ quyết dự luật cải cách về Tòa án Tối cao."
Trước đó, cả Hạ viện và Thượng viện Ba Lan đều đã thông qua dự luật này bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố và đe dọa trừng phạt của EU.
Dự luật trên được các nghị sĩ đảng bảo thủ Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền cho là cần thiết để làm cho cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn, đảm bảo các thể chế nhà nước phục vụ cho toàn dân chứ không chỉ cho "giới ưu tú." Nhưng những người phản đối và các nhóm thẩm phán ở Ba Lan, cũng như những người chỉ trích ở EU cho rằng dự luật này là bước tiếp theo của Chính phủ Ba Lan nhằm thâu tóm quyền lực.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cho rằng hoạt động cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan sẽ khiến hệ thống tư pháp mất đi tính độc lập và chịu sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ.
Ông cảnh báo nếu Ba Lan không ngừng kế hoạch cải cách này, EC có thể họp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong liên minh gồm 28 thành viên - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU