Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington DC. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trong một tuyên bố ngày 13/10 chúc mừng tổ chức đoạt giải Nobel Hoà bình 2024 Nihon Hidankyo – một tổ chức chống vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đã sẵn sàng đối thoại với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên về các vấn đề an ninh hạt nhân. Nhà lãnh đạo kêu gọi các cường quốc toàn cầu tiếp tục thực hiện các bước để thế giới an toàn hơn bằng cách loại bỏ vũ khí hạt nhân.
"Mỹ sẵn sàng tham gia đàm phán với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Nihon Hidankyo là một nhóm do những người sống sót sau trận đánh bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản thành lập. Theo một tuyên bố vào ngày 11/10 từ Ủy ban Nobel Na Uy, tổ chức này đã được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay "vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân".
Thông qua những câu chuyện kể về những trải nghiệm đau thương của chính những người sống sót, Nihon Hidankyo đã và đang lan tỏa nhận thức về những hậu quả đau thương, qua đó truyền cảm hứng để mọi người trên khắp thế giới hành động hơn nữa để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Biden ca ngợi Nihon Hidankyo vì "công trình lịch sử của họ nhằm đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa".
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Biden dường như trái ngược với những thay đổi đối với chiến lược hạt nhân của Mỹ được thực hiện vào đầu năm nay. Hồi tháng 8, tờ New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt một phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân Mỹ, ra lệnh cho nước này chuẩn bị cho các cuộc đối đầu hạt nhân có thể xảy ra với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới sau Nga. Về phần mình, Moskva luôn nhấn mạnh họ không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vào tháng trước, Nga cũng đã công bố những thay đổi quan trọng đối với học thuyết hạt nhân của riêng mình trước những thảo luận của Mỹ và các đồng minh về việc có nên cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xã để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga hay không. Học thuyết mới của Nga sẽ coi hành động tấn công Nga và đồng minh thân cận nhất của nước này là Belarus từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân là "cuộc tấn công chung" và từ đó có thể kích hoạt một phản ứng hạt nhân.