Theo số liệu của GLOBOCAN 2022, tỷ lệ người mắc ung thư phổi đứng thứ 1 (chiếm 12,4%) trong tổng số các loại ung thư, tỷ lệ tử vong cũng ở mức cao nhất, tới 18,7%. Dù y học đạt được nhiều thành tựu trong điều trị ung thư nói chung song ung thư phổi vẫn là một thách thức khi tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân rất thấp (13-18%) và việc điều trị mất nhiều thời gian và tốn kém.
Người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, khi đã qua giai đoạn 3A, hầu như không còn cơ hội phẫu thuật. “Trong số bệnh nhân phát hiện ra bệnh chỉ có 25% các trường hợp có thể được chỉ định mổ để điều trị triệt căn. Đây chính là một gánh nặng lớn cho những người làm lâm sàng”, ThS. BS Lương Ngọc Trung – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện FV cho biết.
Theo BS Lương Ngọc Trung, Bệnh viện FV đã ứng dụng hầu hết các phương tiện hiện đại trong tầm soát và phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, như chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp, MRI, nội soi ống mềm để lấy tế bào, sinh thiết xuyên thành ngực, nội soi phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm (EBUS), kỹ thuật siêu âm điều hướng ảo Navigation, hoặc kết hợp để có kết quả cao.
Ngoài ra, theo bác sĩ này, một kỹ thuật mới là đánh dấu tổn thương bằng chỉ thị màu (ICG) cũng được áp dụng để phát hiện các tổn thương tại phổi và hệ tiêu hoá.
ThS. BS Lương Ngọc Trung – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện FV |
TS.BS Nguyễn Văn Thọ – Trưởng Bộ môn Lao và bệnh Phổi, Đại học Y Dược TP.HCM đánh giá cao vai trò Nội soi phế quản ống mềm và Nội soi phế quản siêu âm (EBUS) trong chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư phổi. Việc này giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp qua một ống soi mềm, thiết bị dạng ống mỏng có gắn camera nhỏ để thu hình ở đầu ống, lấy các mẫu dịch nhầy hoặc mô phổi.
Trên thế giới hiện nay, EBUS được xem như “kỹ thuật ưu tiên” trong sinh thiết và chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên tại Việt Nam rất ít bệnh viện được đầu tư hệ thống này do chi phí cao và cần nhiều thời gian để đào tạo tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ.
Trong khi đó, ThS.BS Su Jang Wen – Chuyên gia Phẫu thuật Lồng ngực và Ung thư phổi, O2 Healthcare Group (Singapore) chia sẻ kinh nghiệm xử trí các nốt nhỏ ở phổi, nơi có những tế bào ung thư phát triển âm thầm có thể là dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn sớm. Khi phát hiện, bác sĩ Su khuyên người bệnh nên cân nhắc phương án phẫu thuật.
ThS.BS Su Jang Wen – Chuyên gia Phẫu thuật Lồng ngực và Ung thư phổi, O2 Healthcare Group |
Còn Bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV, phương pháp xạ trị định vị thân ở phổi (SBRT) là một vũ khí điều trị ung thư phổi quan trọng. Khi xạ trị phổi cần quan tâm đến sự dịch chuyển của khối u theo nhịp thở vì có thể khiến cho việc chiếu tia bị sai lệch. “Ưu điểm của SBRT so với xạ trị cổ điển là vùng xạ nhỏ, nhắm thẳng vào khối u, hạn chế tổn thương mô phổi, rút ngắn thời gian xạ trị xuống 3-4 lần, thay vì 6-7 lần”, theo bác sĩ Basma.
Cũng tại hội thảo, TS.BSCKII Lê Tiến Dũng – Phó Giám Đốc, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, do có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, sử dụng vào từng giai đoạn cụ thể nên việc các bệnh viện tổ chức được Nhóm chăm sóc đa chuyên khoa (MDT) là rất cần thiết, giúp ích nhiều trong hiệu hiểu hiểu biết và điều trị ung thư.
BS Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV chia sẻ tại hội thảo. |
Hội thảo “Tầm soát và điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm” do Bệnh viện FV tổ chức diễn ra tại TP.HCM, do PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất làm chủ tọa cùng với hơn 300 khách mời là các bác sĩ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các diễn giả trong và ngoài nước đã trình bày những tiến bộ mới nhất về tầm soát và điều trị ung thư phổi, mở ra cơ hội điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân.