Để thực hiện dự án bãi rác Đa Phước, Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) được UBND TP.HCM giao 128 ha đất không thu tiền sử dụng đất cũng không thu tiền thuê đất trong vòng 50 năm. Đồng thời VWS còn được TP.HCM ứng trước 9 triệu USD. Chủ đầu tư đề nghị TP chia làm 3 đợt:
Đợt 1: Ngày 10/6/2006 là 40% tương đương với số tiền 3,6 triệu USD.
Đợt 2: ngày 10/8/2006 là 30% tương đương với 2,7 triệu USD.
Đợt 3: ngày 10/11/2006 là 30% tương đương với 2,7 triệu USD.
Khoản tiền 9 triệu USD này ngay từ ban đầu đã được đặt dấu hỏi về tính mục đích. Tuy nhiên ở mỗi lần giải trình California Waste Solutions (CWS, chủ đầu tư 100% vốn vào VWS) lại đưa ra một cách giải thích khác nhau và mục đích sử dụng khác nhau.
Trong văn bản giải trình gửi lãnh đạo TP.HCM ngày 22/32005, CWS cho rằng việc chủ đầu tư đề nghị TP ứng trước chi phí xử lý rác 9 triệu USD trong 6 tháng đầu và đã có đề nghị UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) chấp nhận.
Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của khu xử lý rác Đa Phước như san lấp nền, xây dựng nhà xưởng, văn phòng, đường nội bộ, vành đai đê bao… Số tiền ứng trước này là điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư có thể nhận được sự chấp thuận của ngân hàng Eastwest (Mỹ) dành khoản vốn tín dụng cho toàn bộ đầu tư cần thiết cho dự án.
Đây là số tiền cao hơn rất nhiều so với khoản tạm ứng nên giả định có rủi ro thì thiệt hại cho phía chủ đầu tư sẽ rất lớn và dù có rủi ro thì TP cũng phải cần có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, giải trình của CWS nêu.
Tại cuộc họp ngày 9/5/2005 tại Sở Kế hoạch Đầu tư bàn về việc triển khai dự án tiếp tục có ý kiến thắc mắc nên ngày 16/5/2005, VWS làm văn bản tiếp tục giải trình về cơ sở tính toán giá xử lý rác và số tiền 9 triệu USD TP ứng trước,
CWS cho rằng tổng vốn dự kiến đầu tư cho giai đoạn I là 32 triệu USD. Ngoài việc chứng minh cho ngân hàng tài trợ thấy sự quyết tâm thực hiện dự án, bản thân số tiền 9 triệu USD cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, phục vụ tốt cho các hoạt động của khu xử lý rác.
Số tiền ứng trước này được nhà đầu tư tính trả lại cho TP thông qua việc giảm giá thành xử lý rác từ 17,7 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn.
Ở lần giải trình thứ ba về tiến độ thi công của công trình và tổng chi phí đầu tư của chủ dự án trong giai đoạn I nhà đầu tư CWS lại đưa ra lời giải thích khác về mục đích sử dụng khoản tiền ứng trước này.
Cụ thể CWS cho rằng do thời gian cấp bách nên nguồn tài chính quốc tế chưa được huy động kịp thời. Đồng thời, do sự cần thiết xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rò rỉ, việc xây dựng cầu trong giai đoạn đầu nên chúng tôi cần sự ứng trước của TP về chi phí xử lý chất thải rắn trong 6 tháng đầu, tương đương 9 triệu USD.
Đến ngày 10/6/2005 UBND TP.HCM có văn bản gửi Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM đồng ý về việc ứng trước 9 triệu USD cho VWS để xây dựng cây cầu và công trình hạ tầng của dự án.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính thời điểm đó cho rằng trong hợp đồng được ký kết giữa Sở TN&MT và VWS, vào ngày 28/2/2006 khoản tiền 9 triệu USD được gọi là khoản tiền "trả trước" thay vì “ứng trước” như báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án bãi rác Đa Phước trước đó.
Theo một chuyên gia kinh tế môi trường, việc này không phù hợp với luật Kế toán và trái với luật Ngân sách. Khoản tiền trả trước và ứng trước 9 triệu USD là hai khái niệm khác nhau.
Bởi lẽ, ứng trước thì phải trả lại, còn trả trước được xem là khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng dự án (không phải trả lại). Như vậy hai khái niệm khác nhau này dẫn đến nhiều câu hỏi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án có được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận không?
Về khoản tiền ứng trước 9 triệu USD của UBND TP cho chủ đầu tư đã được nhiều cơ quan ban ngành cân nhắc về mục đích cũng như mức độ rủi ro. Thông qua những văn bản giải trình chưa rõ ràng và đôi chút mâu thuẫn của chủ đầu tư thì khoản tiền ứng trước này cũng không nhận được sự đồng thuận của nhiều đơn vị liên quan.
Năm 2009 Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc TP.HCM sử dụng 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tạm ứng cho VWS đầu tư xây dựng dự án bãi xử lý chất thải Đa Phước là sai quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Theo Sở Tài chính điều này không chấp nhận được vì thời gian thu hồi (trừ vào chi phí xử lý rác quá dài từ 22-24 năm nên rủi ro lớn. Chi phí xử lý/tấn rác (sau khi giảm trừ) không thể hiện đúng số tiền ngân sách phải chi (tạo cảm giác giá rẻ).
Sở Tài chính kiến nghị chi phí xử lý/tấn rác phải thể hiện đúng giá trị (không giảm trừ), việc hoàn trả số tiền 9 triệu USD được cấn trừ vào số tiền ngân sách phải thanh toán chi phí xử lý rác tháng, quý, năm hoặc theo lịch hoàn trả tạm ứng được hai bên thỏa thuận.
Để giải thích về 9 triệu USD ứng trước trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư UBND TP.HCM cho rằng: “Theo chủ đầu tư, việc TP ứng trước khiến nhà cung cấp vốn cho dự án thêm tin tưởng vào tính khả thi của dự án. Nhưng ngoài yếu tố tâm lý ra, nghiên cứu các tài liệu tài chính của dự án cho thấy thực chất 9 triệu USD ứng trước sẽ làm giảm chi phí đầu tư của dự án xuống một khoản tiền khoảng 13,5 triệu USD. Từ đó, làm giảm đơn giá xử lý rác từ 16,96 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn”
Tuy nhiên Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong nhận xét gửi Thủ tướng ngày 12/7/2005 cho rằng việc ứng trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư là chưa có đủ cơ sở, đề nghị xem xét phù hợp với luật ngân sách và dự án được cấp có thẩm quyền cho phép.
Bên cạnh đó trong báo cáo bổ sung của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng ngày 24/10/2005 cho rằng việc ứng trước 9 triệu USD là một khoản hỗ trợ đầu tư rất lớn so với tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn I của dự án (30 triệu USD). Về thực chất khoản vốn ứng trước này có thể xem là khoản vốn huy động để đầu tư của dự án.
Dù mục đích thực sự của việc ứng trước 9 triệu USD vẫn chưa được giải thích rõ ràng và nhất quán nhưng báo cáo kiểm toán đã khẳng định khoản chi này là sai quy định. Cụ thể, năm 2009 Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc TP.HCM sử dụng 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tạm ứng cho VWS đầu tư xây dựng dự án bãi xử lý chất thải Đa Phước là sai quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài, phải có vốn đầu tư, sử dụng kinh phí ngân sách là không đúng.
Số tiền 88 triệu USD chi phí khác được VWS tính vào giá?
Chi phí tổng cộng tính trên 3.000 tấn chất thải/ngày được nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang ghi nhận danh mục “chi phí khác” chưa được rõ ràng và chiếm một lượng tiền lên đến 88 triệu USD
Cụ thể tổng chi phí vận hành là 287,5 triệu USD trong đó bao gồm chi phí cho các hạng mục:
Chi phí vận hành bãi chôn lấp Chi phí khác | 166,3 triệu USD hơn 36 triệu USD |
Vận chuyển chất thải rắn Chi phí khác | hơn 66 triệu USD 14,6 triệu USD |
Vận hành nhà máy phân loại Chi phí khác | hơn 23 triệu USD 5 triệu USD |
Vận hành nhà máy chế biến compost Chi phí khác | 4,8 triệu USD 1 triệu USD |
Chi phí xử lý nước rỉ Chi phí khác | 26,8 triệu USD 5,9 triệu USD |
Chi phí đầu tư | 107,5 triệu USD |
Chi phí đóng bãi Chi phí khác | 28,2 triệu USD 6,1 triệu USD |
Trạm xử lý nước rò rỉ Chi phí khác | 10 triệu USD 2,2 triệu USD |
Chi phí đầu tư thiết bị cho bãi chôn lấp Chi phí khác | 65,8 triệu USD 16,2 triệu USD |
Chi phí thiết bị khác | hơn3,5 triệu USD |
Tổng chi phí | 287,5 triệu USD |
Điều đáng nói là trong mỗi hạng mục trên đều có mục nhỏ là “chi phí khác”, chiếm đều đăn 22,09% của chi phí mỗi hạng mục. Tổng số tiền của danh mục chi phí khác này lên đến hơn 88 triệu USD.
Vấn đề đặt ra chi phí khác ở đây là những chi phí gì với tỷ lệ lớn như vậy? Đồng thời chi phí này có được cộng vào để tính toán đơn giá xử lý rác hay không vẫn là điều cần phải được làm rõ.