Trong đó, cháy xảy ra 280 vụ, có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Hỏa hoạn khiến 7 người chết, 13 người bị thương (tăng 7 người chết, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ). Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 18 tỷ đồng.
Theo đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, hỏa hoạn xảy ra nhiều ở nhà dân với 115/280 vụ.
“Hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu xảy ra ở nhà dân, nhà ống, nhà kết hợp kinh doanh. Người dân sơ suất trong sử dụng thiết bị điện là nguyên nhân chủ yếu”, ông Châu cho biết.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc vận động mỗi hộ gia đình trang bị một bình cứu hỏa, đại tá Châu cho biết một số quận, huyện trên địa bàn làm rất tốt việc này như quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân toàn thành phố nhìn chung còn kém.
Đại diện cảnh sát PCCC đưa ra nhận định: Bây giờ, ở thành phố có nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán các mặt hàng dễ cháy như bông vải sợi, hóa chất rất dễ bắt lửa nhưng việc trang bị PCCC tại chỗ rất kém.
Các căn nhà phần đa là nhà ống, liền kề, xung quanh bịt kín, chỉ có một lối ra vào, ba lớp cửa cuốn xếp; nhiều nhà còn có hàng rào chống trộm không có lối thoát cho người, cho khói, khi cháy xảy ra không thoát được”.
Để giải quyết những tồn tại tiềm ẩn nguy cơ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, Cảnh sát PCCC TP.HCM sẽ tổ chức một hội nghị có thể vào trung tuần tháng 5 tới đây.
“Hội nghị an toàn PCCC với các hộ gia đình và các hộ kinh doanh. Một trong các nội dung là cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch -Kiến trúc và Sở Tư pháp để tham mưu cho UBND TP xây dựng một quy chuẩn đặc thù cho TP với nhiều giải pháp cụ thể để có hướng giải quyết điều kiện an toàn cho các hộ gia đình, hộ nhà ở kết hợp kinh doanh”, ông Châu khẳng định.
Theo Pháp Luật TP.HCM