12 năm công tác tại Bệnh viện E Hà Nội, 15 năm làm ở Tổ chức Cứu trợ trẻ em Save The Children Việt Nam, 5 năm nữa gắn bó với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Sau chừng ấy năm kinh nghiệm, thạc sĩ - bác sĩ trị liệu tâm lý Phạm Bích Hà dừng chân ở Phòng khám Cây Thông Xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và tiếp tục làm công tác tư vấn về tâm lý như: xung đột cha mẹ con cái; vợ chồng bất hòa, stress trong cuộc sống….
Chuyên gia trị liệu tâm lý Phạm Bích Hà. |
Trong những năm công tác, Th.S.BS Bích Hà có không ít những trăn trở về chuyện chăm sóc, nuôi dạy con của phụ huynh Việt Nam hiện nay. Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với bà về những vấn đề xoay quanh nuôi dạy trẻ hiện nay.
Đừng đổ lỗi cho dậy thì!
PV: Khủng hoảng tuổi dậy thì được nhắc đến rất nhiều. Theo bà, dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về tâm sinh lý? Những dấu hiệu phổ biến nào mà nhiều phụ huynh dễ bỏ qua?
Th.S Phạm Bích Hà: Có rất nhiều dấu hiệu để thấy trẻ đang bị stress, đang cảm thấy không thoải mái, không an toàn. Ví dụ như: Chúng có thể không chịu làm theo những gì bố mẹ bảo, chúng ỳ ra, cãi lại, không chịu học bài cứ phải nhắc nhở mới học, hay cáu giận, hay quát tháo, hay ganh tỵ không nhường nhịn, bừa bãi, cẩu thả, không thích nói chuyện với bố mẹ, hoặc nói dối…
Những dấu hiệu này rất phổ biến, và hầu hết các bố mẹ đều nhìn thấy, nhưng đáng tiếc là bố mẹ lại lại nhìn nhận các dấu hiệu của con dưới cái nhìn tiêu cực của bố mẹ về con, đó là: con bướng bỉnh, không ngoan, rất hư, rất lười học, rất cẩu thả, rất bừa bãi, không chịu làm việc nhà, rất nhút nhát và rất rất nhiều cái tiêu cực về con.
Bố mẹ vốn rất yêu thương con, hết mình vì con cái, ai cũng muốn dành cho con tất cả những điều tốt đẹp nhất nhưng có nhiều cha mẹ chưa hiểu được con, thường áp đặt chúng vào những gì mình mong muốn; thường áp đặt suy nghĩ của mình vào các hành vi của con.
Sự không thấu hiểu, không cảm thông với những suy nghĩ, cảm xúc của con trẻ, không nhận thấy là con đang rất bị stress đã khiến con cảm thấy bị áp đặt, lo lắng, hoang mang. Và cha mẹ càng mắng, càng dạy bảo con theo cách nhìn nhận của mình về con, mà không tìm hiểu vì sao con nói, con làm, con có thái độ như vậy thì sẽ làm cho tình trạng stress của con ngày càng tồi tệ thêm, có thể dẫn đến những hậu quả rất xấu cho sức khỏe của con sau này .
PV: Có nguyên nhân nào lý giải được vì sao trẻ em hiện nay đến tuổi dậy thì có quá nhiều stress, hay chống đối bố mẹ dữ dội hơn so với trước kia, thưa bà?
Th.S Phạm Bích Hà: Không nên đổ lỗi cho tuổi dậy thì. Bản thân tuổi dậy thì ngày xưa và ngày nay không khác gì nhau, nó chỉ là giai đoạn mà hóc môn giới tính trong cơ thể trẻ đang phát triển mạnh nhất mà thôi. nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ ở tuổi dậy thì ngày nay bị nhiều stress hơn xưa, chúng có hành vi chống đối nhiều hơn. Tôi có thể lý giải thế này:
Một, trẻ ngày nay dậy thì sớm (về cơ thể). Vấn đề dậy thì sớm do hai nguyên nhân chính: Trẻ được cho ăn uống quá nhiều chất bổ dưỡng từ nhỏ để tăng chiều cao để phát triển (theo như quảng cáo) dẫn đến thừa cân béo phì, dậy thì nhanh.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Y-Xã hội học, hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì dưới 5 tuổi tại các đô thị lớn là 6%. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ 9,6% ở khu vực trung tâm thành phố thì mức tỷ lệ này lên tới trên 12%, trong khi mức trung bình toàn cầu khoảng 6,9%”; Một nguyên nhân nữa của dậy thì sớm là do thực phẩm hiện tại đang có nhiều hóa chất như: chất tăng trưởng cho rau cỏ, vật nuôi, thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm… đều là các hóa chất có hại ảnh hưởng đến tuổi dậy thì của trẻ.
Hai, cách dạy dỗ của bố mẹ chưa phù hợp với sự phát triển quá nhanh về cơ thể của con: Phát triển về cơ thể và trí tuệ của trẻ không song hành. Hiện nay điều kiện kinh tế tốt hơn xưa, con trẻ không thiếu thốn gì, thậm chí có đứa trẻ quá dư thừa, được chăm bẵm quá mức, phát sinh tâm lý hưởng thụ nhiều mà thiếu trách nhiệm với gia đình gây tâm lý đòi hỏi, khi không được như ý thì phát sinh cáu giận, chống đối bố mẹ.
Bố mẹ bây giờ rất yêu thương con, lúc nào cũng muốn con được hưởng những thứ tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho con về cuộc sống vật chất, về việc học hành, nhưng lại không thực sự hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của con mình. Trẻ có những suy nghĩ, có những động cơ cho các lời nói hành vi của mình, nhưng bố mẹ thường là nhìn thấy hành vi của con theo như suy nghĩ của bố mẹ, và bắt con phải làm theo ý mình, từ đó phát sinh các bức xúc, bực tức, chống đối ở con. Điều này không có nghĩa là bố mẹ cứ phải thỏa mãn mọi yêu cầu của con thì mới là đúng.
Bố mẹ phải là người hướng dẫn con trong mọi việc nhưng cũng cần hiểu con và hướng dẫn đúng phương pháp thì sự hướng dẫn mới đi đúng hướng và có hiệu quả. Có không ít bố mẹ luôn coi con còn nhỏ, làm mọi điều cho con theo ý bố mẹ.
Chọn cho con học các môn học, chọn lựa câu lạc bộ ngoại khóa, hay chọn nghề nghiệp mà bố mẹ nghĩ là sẽ tốt cho con sau này, dù không chắc là những môn đó, nghề nghiệp đó có phù hợp với khả năng và sở thích của con hay không. Ở những gia đình đặt sự mong đợi quá cao ở trẻ, trẻ cảm thấy bị áp lực rất nhiều để cố gắng làm vừa lòng bố mẹ, nhưng khi không đạt được những mong đợi của bố mẹ, trẻ cảm thấy rất thất vọng về bản thân, thấy mình vô tích sự, thiếu tự tin vào bản thân, hoang mang lo lắng có thể dẫn đến những bệnh lý về tinh thần.
Chọn cho con học các môn học, chọn lựa câu lạc bộ ngoại khóa, hay chọn nghề nghiệp mà bố mẹ nghĩ là sẽ tốt cho con sau này, dù không chắc là những môn đó, nghề nghiệp đó có phù hợp với khả năng và sở thích của con hay không. |
Ngày nay điều kiện về thông tin cũng quá dễ dàng: internet, mạng xã hội, trẻ học nhiều điều dở hơn là điều hay trên internet, chẳng hạn xem tin vô bổ, tin bạo lực, tình dục, game... Trẻ chưa đủ trí tuệ để phân biệt đúng sai trước các vấn đề xã hội dễ có những hành vi không mong muốn như: nghiện game, ma túy, có hành vi vi phạm phạm luật...
Thêm vào nữa, các bậc cha mẹ ngày nay cũng bị stress nhiều hơn trước về công việc, gia đình, xã hội, dễ muốn bắt con cái phải làm theo ý mình, không vừa ý cũng dễ cáu giận. Không kiểm soát được hành vi cáu giận của bố mẹ là một tấm gương tiêu cực rất có hại cho trẻ vì trẻ dễ dàng học theo, làm theo, dần trở thành thói quen không tốt cho sự phát triển của trẻ.
PV: Bằng kinh nghiệm bản thân, bà có thể kể một vài trường hợp “bùng nổ” ở trẻ mà bà đã tiếp xúc trong quá trình điều trị tâm lý?
Th.S Phạm Bích Hà: Rất nhiều các trường hợp đến phòng khám Cây thông xanh ở lứa tuổi từ 5-20 tuổi có các hành vi ở hai thái cực: Một là chống đối, cãi lời bố mẹ, không chịu học hành, dọa tự tử, bỏ nhà, nói dối, lấy tiền của bố mẹ… Một thái cực khác là thu mình lại, nhút nhát, không nói chuyện, không giao tiếp.
Có một bé mới 5 tuổi được bố mẹ đưa đến phòng khám xin tư vấn, bố mẹ cậu bé vô cùng hoang mang không biết phải làm thế nào để dạy con vì cậu bé ngày càng bướng bỉnh, ngày càng không sợ đòn, khi bố mẹ cầm roi, con đứng im, trừng mắt thách thức nhìn bố mẹ. Một bạn khác 17 tuổi dù học vẫn tốt, việc nhà vẫn hoàn thành, mọi việc chỉn chu, bố mẹ không chê trách con điều gì... nhưng chỉ có điều là thấy con không muốn nói chuyện với bố mẹ, con thường làm xong việc là vào phòng con, thoái thác nói chuyện.
Tôi hỏi cậu bé: “Gia đình con có vui không”, cậu bé trả lời, “bố mẹ con vui, nhưng con không vui” - Khi tôi nói cho mẹ hiểu suy nghĩ của con thì mẹ rất ngỡ ngàng không ngờ là con mình lại có tâm sự như vậy.
Bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến cảm xúc, suy nghĩ của con, con trẻ cần được quan tâm nhiều về tinh thần, tình cảm hơn là về vật chất. Hãy hiểu các con và giúp các con, không nên để trẻ bị áp lực, bị buồn phiền đau khổ, vì có thể sẽ có những hậu quả không lường được cho trẻ sau này.
Bố mẹ thay đổi, con sẽ thay đổi
PV: Bác sĩ có số liệu thống kê cụ thể số lượng bệnh nhi đến phòng khám điều trị không? Trẻ em chiếm bao nhiêu phần trăm các ca đặt lịch tư vấn, thăm khám?
Th.S Phạm Bích Hà: Tôi có thể thống kê số liệu gần đây như sau: Trẻ dưới 6 tuổi đến gõ cửa phòng khám là 142 em. Trẻ trên 6 tuổi là 183, cụ thể hơn, từ 6-18 tuổi là 148 trẻ (cả tự đến và bố mẹ đưa đến), trên 18 tuổi ít hơn, khoảng hơn 40 người. Tỉ lệ trẻ đến tư vấn nhiều nhất là lứa tuổi 6-18, chiếm 75% các bệnh nhân đặt lịch thăm khám.
Tôi hỏi cậu bé: “Gia đình con có vui không”, cậu bé trả lời, “bố mẹ con vui, nhưng con không vui” - Khi tôi nói cho mẹ hiểu suy nghĩ của con thì mẹ rất ngỡ ngàng không ngờ là con mình lại có tâm sự như vậy. |
Hơn 90% các ca đến khám gặp các vấn đề con bị bùng nổ cảm xúc, bức xúc, stress… 10% còn lại là trẻ thực sự có vấn đề bệnh lý như chứng tự kỉ, rối loạn về nhận thức, trí tuệ, hoặc có vấn đề về nghe hiểu, đọc hiểu… nhưng ở thể nhẹ gia đình không nhận thấy và do không hiểu các vấn đề của con, nên bố mẹ dạy con và ứng xử với con như trẻ không có bệnh, gây áp lực rất lớn cho con và làm cho tình trạng của con ngày càng nặng hơn.
Nhiều bố mẹ đến gặp tôi cứ cho là con không chịu nghe, không chịu làm… nhưng thực tế là đứa bé không hiểu và không phải biết làm thế nào. Có mẹ đến nói là con mình không chịu làm theo lời bố mẹ, nhưng chính đứa trẻ lại hỏi tôi, “con phải làm thế nào mới đúng hả bà?” “Phải nói thế nào mới là đúng hả bà?”
PV: Vậy làm thế nào để hạn chế sự “nổi loạn” của con trẻ, không đẩy con trẻ vào tình trạng bức bối, mệt mỏi, chán nản… ở tuổi dậy thì, thưa bà?
Th.S Phạm Bích Hà: Các bậc phụ huynh nên hiểu là dù yêu con vô cùng, thương con vô cùng nhưng hãy cố gắng hiểu con mình, thì mới có thể theo con mà định hướng, dẫn dắt con đến một tương lai tốt đẹp.
1.000 trẻ là 1.000 tính cách khác nhau, không trẻ nào giống trẻ nào, không phải trẻ nào cũng thích làm bác sĩ, kiến trúc sư hay những nghề mà bố mẹ mong muốn. Không nên đợi cho trẻ có khủng hoảng tâm lý mới đi chữa trị, nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Muốn con không bị áp lực, stress, không chống đối, hoặc không muốn con thu mình lại, bản thân cha mẹ cũng cần phải thay đổi:
Không nên áp đặt mong muốn của mình vào con và bắt con làm theo ý mình. Hãy cố gắng hiểu suy nghĩ, cảm xúc của con để có lời nói, hướng dẫn cho phù hợp và hiệu quả.
Không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho những hành vi của con, đổ lỗi con hư, con bướng, con không chịu học... Bố mẹ hãy làm gương ứng xử tốt cho con: Giữ bình tĩnh, không cáu giận trong mọi tình huống, trong giải quyết mọi việc.. Bố mẹ nên tìm hiểu nhiều thông tin để hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của con trẻ, nên tham gia các khóa học để hiểu tâm sinh lý của con để có thể giúp con tốt hơn. Bố mẹ thay đổi, con cái sẽ tự khắc thay đổi.
Xin cảm ơn bà!