TAND thành phố Hà Nội chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Thanh Hải (SN 1966), Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) về hành vi chiếm đoạt tiền theo hình thức đa cấp.
VKSND thành phố Hà Nội đã thay đổi tội danh đối với Phạm Thanh Hải từ tội Kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự sang tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999, nay là Điều 174 BLHS năm 2015.
Phạm Thanh Hải là bị can duy nhất bị truy tố trong vụ án này. Theo Cáo trạng của VKSND thành phố Hà Nội, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Phạm Thanh Hải đã có hành vi và đưa ra những thông tin gian dối là công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô” với dự án trồng cây macca thông qua CTCP Macadamia Quốc tế.
Hải cam kết với các nhà đầu tư mức lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh. Đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Để thu hút các nhà đầu tư, Hải thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu các dự án, tổ chức các chuyến thăm quan, du lịch quảng bá dự án,… Hải còn lập trang mạng “học làm giàu” (hoclamgiau. vn) để các nhà đầu tư biết đến Hải.
Phạm Thanh Hải đang "thuyết giảng" với các nhà đầu tư về cách làm giàu. Ảnh: IDT. |
Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 10/2014-10/2015, Hải đã huy động được 2.725 tỷ đồng từ các nhà đầu tư thiếu hiểu biết và tham lãi suất cao, bị choáng ngợp bởi các dự án do Hải “vẽ” ra tại các Hội thảo học làm giàu. Sau khi có tiền, Hải sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu dùng để trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, một phần cho các đối tác vay, chi trả cho việc kết nối, chi thưởng hoa hồng…
Trong số hơn 2.700 tỷ đồng huy động nói trên, Hải chỉ sử dụng 114 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư thông qua góp vốn vào các công ty. Kết quả điều tra xác minh các dự án này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lời cao như Hải đã hứa với các nhà đầu tư và đều không phải là những dự án của Công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng.
Tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Cho đến thời điểm bị bắt (tháng 10/2015), Hải không còn khả năng thanh toán trả nợ cho các nhà đầu tư.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, xác định từ tháng 10/2014-10/2015, tổng số nhà đầu tư tham gia góp vốn cho Hải là 2.574 người với tổng số 8.303 hợp đồng; tổng số tiền huy động theo phiếu thu là 2.725 tỷ đồng; tổng số tiền chi thưởng kết nối (hoa hồng) là 80,86 tỷ đồng; tổng số tiền chi phí khác (hội thảo, văn phòng, du lịch,…) là 55,34 tỷ đồng; tổng số tiền Hải góp vốn vào các công ty, dự án là 114 tỷ đồng.
Tổng số người bị hại được Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội xác định là 508 người với số tiền bị chiếm đoạt là 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là 594 tỷ đồng (cả gốc và lãi).
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội nhận được nhiều đơn đề nghị, đơn tố cáo của nhiều bị hại tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thanh Hải. Theo lời khai của bị hại, thông qua quan hệ bạn bè, người quen và các thông tin trên mạng internet, các cuộc hội thảo do Công ty IDT tổ chức, họ biết đến công ty IDT đang triển khai các dự án có tiềm năng, dự án trồng cây macca có năng suất cao; công ty đưa ra các hợp đồng góp vốn đầu tư với lãi suất cao. Họ được giới thiệu Phạm Thanh Hải là tiến sỹ, có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, là người giỏi, uy tín…
Có nhiều người sau khi ký kết hợp đồng chưa nhận được bất cứ khoản tiền lãi nào như cam kết. Vì vậy sau khi sự việc được phát giác, họ đã đến cơ quan điều tra để trình báo. Cũng có nhiều người trước đây từ chối làm việc, không hợp tác với cơ quan CSĐT vì vẫn tin tưởng Hải sẽ trả tiền cho mình… sau đó cũng đã đến cơ quan điều tra và khai: Trong qua trình Phạm Thanh Hải bị tạm giam, họ được bà Lê Thị Hải Yến (vợ của Hải) và các cá nhân tự xưng là đại diện các nhà đầu tư đề nghị ký tên vào các đề nghị, yêu cầu công chứng, hứa hẹn Hải được tại ngoại sẽ được trả tiền, sau đó kích động, lôi kéo họ và nhiều người khác đến tụ tập tại các trụ sở cơ quan nhà nước…. Tuy nhiên sau khi biết bản chất sự việc, họ đã đến cơ quan CSĐT khai báo toàn bộ sự việc.
Đối với các cá nhân tiếp tục không hợp tác, không cung cấp tài liệu cho Cơ quan điều tra, các cá nhân chưa xác định được địa chỉ cụ thể, chưa ghi lời khai,… Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định tách hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án hình sự để xem xét, xử lý sau.
Theo Infonet