Đề xuất bán hệ thống radar và bệ phóng tên lửa với khoản vay lãi suất thấp sẽ được đưa ra trong chuyến thăm của phái đoàn cấp cao do đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vương Dũng, đến Malaysia. Ông Vương đang có chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Malaysia trong tuần này để dự lễ động thổ tuyến đường sắt bờ Đông ngày 9/8.
“Có đến 12 hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) AR3 được chào bán cho Malaysia theo chương trình cho vay thời hạn 50 năm”, một nguồn tin nói với báo The Malaysian Insight. “MLRS có tầm hoạt động 220km, sẽ được đặt ở bang Johor cùng một hệ thống radar”, tờ báo viết. Malaysia từng ký một hợp đồng mua 4 tàu chiến duyên hải từ Trung Quốc. Đây là hợp đồng quân sự đáng kể nhất giữa hai nước cho đến nay. “Theo quan điểm của Bắc Kinh, Malaysia đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực”, một nhà ngoại giao khu vực nói với The Malaysian Insight.
Hệ thống AR3 do công ty Norinco của Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu và được ra mắt năm 2011. Trang tin quân sự Military Today mô tả AR3 thuộc hàng MLRS mạnh nhất thế giới, có thể phóng các loại rocket truyền thống và rocket dẫn hướng. AR3 là hệ thống đa năng, có 2 bệ và 4 ống phóng cỡ 300mm. AR3 được đặt trên khung xe Wanshan WS2400 8x8 (được dùng cho hầu hết các hệ thống phóng lớn của Trung Quốc gần đây).
Nhưng Bộ Quốc phòng Malaysia hôm qua bác bỏ thông tin Trung Quốc sẽ bán các hệ thống tên lửa và radar cho Malaysia, Channel News Asia đưa tin.
Theo giới quan sát, quan hệ Malaysia và Trung Quốc ngày càng gần gũi, khiến những người đối lập ở Malaysia khó chịu vì cho rằng Malaysia đã trở nên quá phụ thuộc vào tiền Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak gạt bỏ những lo ngại đó trong một bài phát biểu đầu tuần này, rằng quay lưng với tiền đầu tư từ Trung Quốc “chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế”. Ông Najib gần đây thông báo, nhiều dự án hạ tầng, trong đó có nhiều dự án dùng tiền Trung Quốc, sẽ được triển khai trong bối cảnh Thủ tướng Malaysia đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.
“Nhân tố thay đổi cuộc chơi”
Tin tức về thương vụ hệ thống rocket phóng loạt và radar xuất hiện trong thời điểm Trung Quốc và Malaysia động thổ dự án đường sắt bờ Đông trị giá 13 tỷ USD để kết nối bờ đông và bờ tây của bán đảo Malaysia. Đây là dự án đường sắt lớn nhất ở Malaysia và cũng là một phần trong sáng kiến “Vành đai - Con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
Tuyến đường sắt dài 688km bắt đầu từ điểm ở bờ biển phía Đông, nơi giáp với Thái Lan, chạy dọc theo bờ biển đến thủ đô Kuala Lumpur. Đường đi này khiến các nhà quan sát nghĩ đến khả năng nó sẽ tiếp tục được kéo dài qua eo biển Malacca mang ý nghĩa chiến lược.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Dũng, người dẫn đầu phái đoàn 100 quan chức đến dự buổi lễ động thổ, phát biểu: “Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung Quốc - Malaysia và luôn coi Malaysia là nước láng giềng thân thiết và là đối tác đáng tin cậy, luôn cam kết thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển”.
Dự án đường sắt nói trên được giao cho Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) mà không qua đấu thầu. Trung Quốc sẽ cho vay 85% tiền xây tuyến đường sắt dài 600km, dự kiến hoàn thành năm 2024. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc là bên cung cấp vốn. Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Malaysia nói rằng, tuyến đường sắt này sẽ trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi” và sẽ đóng góp 1,5% cho tăng trưởng kinh tế của 3 bang bờ đông của nước này.
Malaysia là một trong những điểm chiến lược trong kế hoạch xây dựng hạ tầng nhằm triển khai sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Dự án đường sắt làm dấy lên đồn đoán rằng, cuối cùng nó sẽ thay đổi các tuyến đường thương mại của khu vực qua eo biển Malacca và biển Đông, và sẽ thay đổi ý nghĩa cảng trung chuyển quan trọng của Singapore hiện nay. “Dự án đường sắt này là một trong những dự án đầu tư tốn kém nhất mà Trung Quốc làm ở Malaysia”, nhà nghiên cứu chính trị Malaysia Oh Ei Sun nói. Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á trong bối cảnh tiếp diễn tranh chấp căng thẳng với các nước láng giềng trên biển Đông.
Tháng trước, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền tỏ ra thận trọng với “Vành đai - Con đường”, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trên những tuyến đường biển châu Á như eo biển Malacca và Singapore. Ý kiến này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Singapore - Trung Quốc căng thẳng từ khi Singapore ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm ngoái để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu khắp biển Đông.
Nhà nghiên cứu Oh tin rằng, tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Malaysia sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu công nghệ đường sắt cũng như mở rộng hoạt động kinh tế và ảnh hưởng ra nước ngoài. Trung Quốc cam kết nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 2.000 tỷ USD từ Malaysia trong vòng 5 năm tới - cao gấp 8 lần lượng xuất khẩu trong 5 năm kể từ năm 2016 về trước. Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 150 tỷ USD vào Malaysia và 10.000 suất đào tạo tại Trung Quốc cho Malaysia trong thời gian tới, Bloomberg đưa tin.
Theo Tiền Phong