Ông Tập, người kiêm vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông Tập Cận Bình nhậm chức từ năm 2013 và sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2023 theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Đảng đã đề nghị xoá bỏ điều lệ trong hiến pháp quy định rằng một Chủ tịch "sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" trong 5 năm, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin vào hôm Chủ Nhật.
Theo ông Willy Lam, giáo sư chính trị của Đại học Hồng Kông Trung Quốc cho biết: "Tôi nghĩ ông Tập sẽ trở thành 'hoàng đế' trọn đời và Mao Trạch Đông của thế kỷ 21".
"Nếu sức khoẻ của ông ấy cho phép, ông ấy sẽ muốn phục vụ trong 20 năm, có nghĩa là cho đến năm 2032 với tư cách là Tổng Bí thư và năm 2033 là Chủ tịch nước", ông Lam nói.
Đề xuất này cũng sẽ áp dụng cho vị trí Phó Chủ tịch và sẽ được trình lên các nhà lập pháp tại phiên họp toàn thể thường niên của Quốc hội Nhân dân cao cấp bắt đầu từ ngày 5/3. Ông Tập sẽ được tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Ông Tập được coi là đã bỏ qua mô hình lãnh đạo tập thể của nhà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư về cải cách kinh tế của Trung Quốc trong thập niên 1980.
Hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều phục vụ trong hai nhiệm kỳ năm năm, nhưng ông Tập đã cho thấy những tham vọng lớn hơn so với đời lãnh đạo đi trước.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 năm ngoái, Chủ tịch Tập đã công bố Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới gồm 7 thành viên mà không có bất kỳ người thừa kế rõ ràng nào sẽ kế nhiệm ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc cũng đã trình bày trước Đại hộ "hệ tư tưởng Tập Cận Bình" về chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của Trung Quốc cho kỷ nguyên mới - trong điều lệ của đảng, đây là dấu ấn để đời trong sự nghiệp của ông Tập Cận Bình bởi trước đó Trung Quốc chỉ có "hệ tư tưởng Mao Trạch Đông".
Uỷ ban Trung ương Đảng cũng đề nghị bổ sung "tư tưởng Tập Cận Bình" vào hệ thống hiến pháp quốc gia.
Kể từ khi tiếp quản vị trí Tổng Bí thư vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc chiến chống lại nạn tham nhũng, trong đó có hơn một triệu quan chức bị kết án.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập cũng quyết định thành lập cơ quan chống tham nhũng mới: Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan trực tiếp điều phối các cuộc điều tra ở tất cả các cấp chính quyền và mở rộng phạm vi bao gồm các thành viên không phải là đảng viên.
Ủy ban Trung ương Đảng đã đề nghị bổ sung Ủy ban Giám sát Quốc gia như là một cơ quan nhà nước mới trong hiến pháp.
Phát biểu trước các quan chức của Đảng hôm thứ Bảy, ông Tập cho biết hiến pháp là chìa khóa để xây dựng một xã hội thịnh vượng, xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và thực hiện "giấc mơ Trung Quốc về trẻ hóa quốc gia" - khẩu hiệu của ông để khôi phục lại đất nước quay trở lại thời hoàng kim.
"Không có tổ chức, cá nhân nào có đặc quyền vượt quá hiến pháp hoặc pháp luật", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Ông Tập được cho là đang giữ lại những đồng minh thân cận của mình trong quá trình củng cố quyền lực.
Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, đã từ chức Ủy ban Thường vụ tháng 10 năm ngoái, vì ông này đã 69 tuổi - độ tuổi về hưu truyền thống.
Nhưng ông Vương đã được chọn vào đầu năm nay với một vị trí trong Quốc hội nhân dân sắp tới, thúc đẩy tin đồn ông Vương có thể được chọn làm Phó Chủ tịch của ông Tập hoặc một vị trí quan trọng nào khác.
Chủ nhiệm Văn phòng của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, ông Lật Chiến Thư có thể trở thành người đứng đầu Quốc hội sắp tới.
Theo ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hồng Kông cho biết, "Ông Tập sẽ đảm bảo rằng cải cách hiến pháp của ông sẽ được thông qua mà không có sự phản đối".
Theo AFP