Tính đến đầu năm sau, Bắc Kinh sẽ vận hành tổng cộng 20 thiết bị cảm biến trên biển Đông để sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự nhằm giám sát môi trường biển ở dưới độ sâu tới 2km bằng chính hệ thống vệ tinh của Trung Quốc, báo Hong Kong South China Morning Post ngày 13/10 dẫn lời một nhà khoa học tham gia dự án cho biết. Tất cả thiết bị cảm biến, bao gồm 8 bộ được đưa ra từ tháng 9, sẽ trở thành bộ phận của dự án quan trắc toàn cầu Argo liên quan hơn 30 quốc gia, quản lý hơn 3.800 bộ cảm biến thời gian thực được phân bố rải rác khắp các đại dương.
Các cảm biến hình trụ cao khoảng 2m, nặng 30kg, thường hoạt động ở độ sâu khoảng 1km dưới mặt biển, nhưng chúng cũng thường xuyên xuống sâu hơn hoặc ngoi lên bề mặt, để thu thập dữ liệu nhiệt độ, độ muối, nồng độ oxy, hải lưu… để phục vụ nghiên cứu về biển và khí hậu. Những dữ liệu này cũng có thể được sử dụng để dự báo bão, hoạt động đánh bắt hải sản và quân sự, trang web chính thức của dự án Argo tại Trung Quốc cho biết.
“So với những vùng biển khác (của Trung Quốc), chúng tôi không có nhiều kiến thức về biển Đông vì vùng biển này sâu hơn. Nhưng giờ chúng tôi đã có công nghệ để nghiên cứu nhiều hơn về nó”, Xu Jianping, nhà khoa học đứng đầu dự án Argo tại Trung Quốc, nói. Cứ 5 ngày một lần, các thiết bị cảm biến Argo sẽ tự động lặn xuống độ sâu 2km để thu thập dữ liệu và dựa vào các vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc khi chúng ngoi lên bề mặt, ông Xu nói. Sau khi hoàn thiện mạng lưới quan trắc biển Đông vào năm tới, Trung Quốc có kế hoạch mỗi năm sẽ đưa khoảng 10 bộ cảm biến mới ra biển Đông để thay thế những thiết bị đã hết pin.
Mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc
Nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong ở Macao cho rằng, những cảm biến này có thể gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc vì hoạt động của tàu ngầm cần nhiều dữ liệu về nhiệt độ nước, áp suất và hải lưu. “Biển Đông rất rộng và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mù. Môi trường biển thay đổi rất nhanh. Sẽ thật nguy hiểm khi triển khai tàu lặn ra đó mà không giám sát vùng nước gần đó”, ông Wong nói.
Trung Quốc đã đưa hơn 300 phao cảm biến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ khi nước này tham gia dự án Argo năm 2001. Dữ liệu thu thập được từ những cảm biến này được gửi đến trung tâm tiếp nhận Bắc Đẩu ở thành phố Hàng Châu để xử lý rồi chia sẻ với hệ thống dữ liệu quốc tế mà mọi người đều có thể truy cập, ông Xu nói. Theo nhà nghiên cứu này, hiện tại, chính phủ và quân đội Trung Quốc không có quyền tiếp cận ưu tiên vào hệ thống dữ liệu đó. Theo số liệu của Argo, Trung Quốc sở hữu khoảng 140 trong số 3.800 phao cảm biến đang hoạt động trên toàn cầu. Mỹ có khoảng 2.000 phao cảm biến, và khoảng 10 cái trong số đó đang thu thập dữ liệu trên biển Đông.
Tháng 8 năm nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ thông qua đề xuất thay thế tất cả bộ cảm biến nhập khẩu bằng thiết bị nội địa và đưa trung tâm dữ liệu ở Hàng Châu trở thành trung tâm dữ liệu lớn thứ ba toàn cầu của Argo, sau hai trung tâm ở Pháp và Mỹ. Ông Xu nói rằng, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang phát triển các công nghệ để thăm dò vùng nước ở độ sâu 4-6km.