Từ nỗi lo kinh phí
Các trường ĐH được tự chủ toàn diện là được tự quyết mọi khoản thu, chi, chỉ tiêu tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm đào tạo. Điều này cũng đồng nghĩa là mức học phí của các trường ĐH công lập sẽ tăng lên. Tuy nhiên, không phải là trường ĐH nào cũng hào hứng và sẵn sàng với chủ trương này.
Vấn đề mà nhiều trường lo ngại nhất là khi giao cho các trường ĐH tự chủ tài chính và tự quyết về mức học phí thì sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khó có thể chi trả được trong suốt thời gian học.
Là một trường nằm ở khu vực miền núi, ĐH Tây Bắc có tới 80% số sinh viên dân tộc thiểu số, nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Từ nhiều năm nay, nhà trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với việc giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên các trường miền núi. Hằng năm, trường dành khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, duy trì quỹ học bổng cho sinh viên. Nếu bây giờ, ĐH Tây Bắc phải tự chủ toàn diện thì nhà trường chưa thể đứng vững được, gia đình sinh viên không thể đóng học phí theo như mức giá mới. Nhiều sinh viên có thể sẽ phải nghỉ học hoặc giảng viên sẽ phải nghỉ việc.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc, hiện nay, các trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và hầu như nguồn thu học phí không đủ bù đắp chi nên vẫn rất cần nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước để tồn tại và phát triển. Đặc biệt là việc hỗ trợ các trường duy trì, phát triển việc mở ngành đào tạo hay những ngành nghề mà các tỉnh Tây Bắc đang thiếu và rất cần bằng cách giữ chân và thu hút giảng viên có trình độ cao giảng dạy ở những vùng còn khó khăn.
ĐH Cần Thơ hiện có 55.000 sinh viên, trong đó có 50% số sinh viên theo học các chuyên ngành xã hội và 50% số sinh viên học các ngành khoa học tự nhiên, nông lâm, thủy sản… Là một ĐH ở khu vực xa xôi, hiện nay, nhà trường vẫn được Nhà nước đầu tư khoảng 30-35% trong số tổng ngân sách mà trường có được trong một năm để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nguồn kinh phí chi thường xuyên để trả lương cho giảng viên cũng như duy trì, phát triển ngành nghề đào tạo vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ học phí của sinh viên.
Theo PGS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, với một trường ĐH có tới 50% là sinh viên theo học các ngành nghề khoa học tự nhiên, nông lâm, thủy sản cần phải trải nghiệm thực hành, thí nghiệm trên máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhiều cũng đồng nghĩa là việc đầu tư cơ sở vật chất tương đối lớn. Tuy nhiên, với mức học phí thu của sinh viên hiện nay là 6,5 triệu đồng/sinh viên/năm thì nhiều khi tiền học phí không đủ bù chi cho việc hao tốn trang thiết bị máy móc, mua sắm vật liệu thực hành cho sinh viên cũng như đầu tư, thu hút giảng viên giỏi về trường giảng dạy.
Tự chủ đại học: Tránh nửa vời và trói buộc! |
“Nếu Chính phủ cho phép tăng học phí lên thành 13 triệu đồng/sinh viên/năm thì có thể ĐH Cần Thơ sẽ không cần dựa vào nguồn kinh phí mà hàng năm Nhà nước đầu tư cho trường”, ông Hà Thanh Toàn kiến nghị.
Tuy nhiên ông Toàn cũng nhìn nhận, với các trường ĐH công lập ở những khu vực xa xôi, điều kiện kinh tế, đời sống của nhân dân còn khó khăn thì việc giao quyền tự chủ toàn diện sẽ gặp rất nhiều bất cập khi mà nguồn thu từ học phí có thể sẽ không đủ để duy trì và phát triển hoạt động của trường. Đặc biệt là duy trì và bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.
Đến khoảng trống tuyển sinh
Là trường luôn thu hút rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển, nhưng khi nói về tự chủ, lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cũng không khỏi băn khoăn. GS, TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, học phí ngành y ở nước ta và nhiều nước khác luôn ở mức cao nhất. Bởi trường y là trường đặc thù, là nơi có nhiều nhà khoa học, phát kiến những tri thức nhân loại phục vụ xã hội. Khi tiến hành tự chủ, chúng tôi nghĩ đến khó khăn thu học phí ở mức cao hơn, lo ngại đến sức chịu đựng của xã hội. Chúng tôi cũng băn khoăn, lo nghĩ thời gian sinh viên học lâu như thế (sáu năm), chi phí nhiều tiền, sau khi ra trường công việc sẽ như thế nào và mức thu nhập ra sao.
Ngay cả với các trường ĐH khối ngành văn hóa - nghệ thuật, tự chủ cũng là vấn đề lo lắng. Lâu nay nhóm các trường này gặp khó khăn trong tuyển sinh, số lượng sinh viên tuyển được ngày càng giảm, nếu tự chủ hoạt động đào tạo không biết sẽ ra sao. Bởi vậy, PGS, TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội đề xuất nên có lộ trình tự chủ thích hợp đối với các trường đặc thù. Đối với những trường CĐ, tự chủ rất có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển sinh được, khi tâm lý của cả xã hội chú ý đến ĐH nhiều hơn.
Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội thành thật: "Chúng tôi rất lo lắng. Khi tự chủ chúng tôi sẽ phải giải quyết thế nào đối với 300 cán bộ, giáo viên. Nhất là trong điều kiện những trường đào tạo về CĐ, trung cấp tập trung vào thực hành và chi phí cho hoạt động lớn hơn nhiều các ngành khác. Vì vậy, tôi rất mong có lộ trình phù hợp để các trường CĐ có sự chuẩn bị”.
Cốt yếu là chất lượng đào tạo
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để giúp người học giải quyết bài toán học phí tăng cao khi các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, cần có hệ thống hỗ trợ. Hiện nay, chúng ta đã có chính sách cho sinh viên vay tiền đóng học phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tuy nhiên, mức vay còn rất thấp và tiếp cận chưa dễ dàng. Bởi vậy, nhiều ý kiến đề xuất trong thời gian tới, mức cho vay tăng lên và các thủ tục thuận tiện hơn. Về nguồn học phí, GS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ băn khoăn này cũng là thách thức của giáo dục nước ta. Ở các nước, sinh viên sau 18 tuổi không còn được gia đình chu cấp, mà phải vay tiền đi học. Khi học xong phải kiếm việc làm để trả lại số tiền đã vay. Đây cũng là văn hóa mà chúng ta cần nghĩ tới, thay vì các gia đình bao bọc con đến tuổi trưởng thành, thậm chí nhiều năm sau. “Sinh viên phải đi vay tiền để học đó là gánh nặng, là khó khăn. Nhưng tôi đánh giá mặt thuận tiện của việc này chính là động lực buộc các em phấn đấu học tập để sau này làm sao có vị trí, việc làm, thu nhập để hoàn trả”, GS Hinh bày tỏ.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, chỉ còn hai năm nữa tất cả các trường ĐH, CĐ công lập phải thực hiện tự chủ hoàn toàn. Từ giờ đến thời gian đó các trường cần phải có sự chuẩn bị về mọi mặt. “Các cơ sở đào tạo làm sao tự chủ được? Có nhiều vấn đề đan xen liên quan với nhau (tuyển sinh, chất lượng đào tạo, tự chủ về tài chính…) không thể tách bạch được. Nếu muốn tuyển sinh tốt thì sản phẩm đào tạo ra phải được xã hội thừa nhận. Và để xã hội chấp nhận thì có rất nhiều vấn đề phải đáp ứng”, PGS, TS Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết.
Theo ông Liên, cái chốt lại vẫn phải nhằm vào chất lượng đào tạo. Nhưng trong điều kiện thực tế, các trường đang gặp phải vấn đề "mình nâng cao chất lượng nhưng "hàng xóm" lại không làm thế. Họ có chiến lược marketing tốt, nên vẫn có tài chính và sống (tất nhiên trong thời gian ngắn). Nếu mình không đi theo họ, âm thầm đi theo chất lượng đào tạo thì có khi chết" - ông Liên nói một cách hình ảnh. Như vậy, giữa bài toán hiện tại và lâu dài, Học viện Tài chính xác định củng cố chất lượng đào tạo, mặc dù đã có bề dày đào tạo hơn 50 năm.
Cụ thể, những năm qua, đội ngũ giảng viên tăng, nhưng chỉ tiêu đào tạo chính quy vẫn ổn định, thậm chí giảm số lượng đào tạo vừa học vừa làm và liên thông. Bởi vậy, chất lượng đào tạo của học viện vẫn được xã hội chấp nhận và không phải lo lắng việc tuyển sinh.
Trong việc thực hiện tự chủ hoàn toàn, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường một cách đồng bộ. Các quy định pháp lý về quyền tự chủ cần được thống nhất, nhất quán giữa các văn bản khác nhau. Đây là cách để các trường có được quyền tự chủ trọn vẹn và có thể tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”, hoặc trao quyền nhưng vẫn bị “trói buộc”.
“Cần triển khai mạnh hơn, rộng hơn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước, mà còn tạo nền tảng, tạo động lực và là khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” - Trích phát biểu ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp giao quyền tự chủ cho các trường ĐH ngày 26-8-2014 tại Hà Nội.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
Hạn chế học sinh sử dụng facebook để tránh xa những tiêu cực