Sau nhiều lần gửi đơn tố cáo VTV vi phạm bản quyền các video flycam mà không nhận được phản hồi thích đáng, anh Bùi Minh Tuấn - một người đam mê flycam đã quyết định báo cáo hành vi này với YouTube. Ngay lập tức, ngày 29.2 vừa qua, kênh YouTube của VTV đã bị buộc dừng hoạt động do vi phạm bản quyền.
Việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam từ lâu đã là chuyện cơm bữa. Nó diễn ra thường xuyên đến mức chẳng ai buồn quan tâm nữa. Nhưng việc một đài truyền hình quốc gia tầm cỡ như VTV bị khóa tài khoản YouTube vì vi phạm bản quyền của một người quay phim cá nhân thì lại là chuyện khác.
Nó khác bởi sự chênh lệch quá lớn về tương quan giữa hai bên. Bên vi phạm bản quyền là đài truyền hình quốc gia - nơi được trang bị “tận răng” các thiết bị và con người để sản xuất ra mọi chương trình họ muốn, còn bên bị vi phạm chỉ là một cá nhân bình thường.
Hình ảnh trong chương trình "Tạp chí âm nhạc" bị tố vi phạm bản quyền.
Theo thống kê của anh Tuấn, trong hơn 1 năm nay, anh đã phát hiện gần 20 vụ vi phạm bản quyền trên các kênh sóng của VTV và anh đã ròng rã gửi đơn tới Tổng giám đốc VTV, Cục Bản quyền tác giả, Bộ TTTT để khiếu nại. Nhưng điều đáng buồn là chưa một lần lãnh đạo VTV có công văn trả lời anh một cách thỏa đáng. Để rồi cực chẳng đã, anh “tố cáo” với Youtube và giờ đây kênh của VTV đã bị khóa.
Thứ anh Tuấn nhận được chính thức từ phía VTV cho đến giờ này là email của bà Trưởng ban Kiểm tra VTV thông báo về việc hủy buổi gặp gỡ đã định trước vào ngày 6.3. Trong thư, người viết xưng “chị”, gọi anh Tuấn là “em”, giọng điệu đầy vẻ… giận dỗi vì cho rằng anh Tuấn thiếu tôn trọng VTV.
Trong khi sự việc chưa hề ngã ngũ, thì ngày 7.3, anh Tuấn lại tiếp tục tố mình bị VTV vi phạm bản quyền, ăn cắp hình ảnh của anh dùng trong chương trình “Tạp chí âm nhạc” phát trên kênh VTV1. Câu chuyện đã rối càng rối hơn, nhưng VTV vẫn tiếp tục im lặng.
Chắc chắn rằng VTV và các biên tập viên của nhà đài này đều biết rằng vi phạm bản quyền là sẽ bị YouTube khóa kênh, bởi họ là dân chuyên nghiệp.
Việc các biên tập viên của VTV còn… cẩn thận cắt đi logo của video trên kênh Yamaha Trung tá của anh Tuấn đã cho thấy họ nghĩ rằng, với vài thủ thuật là có thể qua mặt được Google. Và rằng chủ sở hữu của chúng chỉ là một một cá nhân ở tít tận Quảng Trị thì Google thèm gì để ý. Có kiện cũng chỉ như “con kiến kiện củ khoai”.
Có điều VTV đã nhầm. Một sai lầm đến từ việc mang tư duy “ao làng” vào cuộc chơi toàn cầu, trong một thế giới đã “phẳng” hơn rất nhiều.
Về xác thực bản quyền, một cách dễ hiểu, YouTube thực hiện cấp một chứng nhận đối với các nội dung có bản quyền (nội dung lần đầu đăng ký với youtube). Khi chủ sở hữu các sản phẩm trên YouTube nhận thấy sản phẩm của họ bị một ai đó ăn cắp. Họ chỉ việc thực hiện bấm nút “report” và phần còn lại đã có YouTube lo. Nếu report là đúng, người thực hiện report (chủ sở hữu bản quyền) sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra với các nội dung ăn cắp này. Trái lại, nếu lời tố cáo sai, người report có thể phải đối mặt với việc bị youtube khóa kênh của chính mình. Rất công bằng!
Trong câu chuyện trên, VTV đã phải trả giá. Youtube/Google không quan tâm VTV và anh Tuấn là ai, chẳng quan tâm họ tới từ đâu, không yêu cầu ai phải giải thích, họ chỉ nhìn vào kết quả, tôn trọng sự thật và ra phán quyết. VTV sử dụng hình ảnh video của anh Tuấn mà chưa xin phép, VTV sai và quyền phán quyết thuộc về bên đúng và Google.
Cũng cần nói thêm rằng theo chính sách của Google, chỉ cần 0,5 giây hình ảnh bị sao chép tác phẩm xuất hiện, video vi phạm đã bị chặn và bị bị xử phạt. Nghĩa là giả định như anh Tuấn có không tố cáo VTV thì một ngày không xa, Google cũng tự động phát hiện ra việc ăn cắp bản quyền này. Và lúc đó, án phạt từ Google có thể còn nặng hơn.
Google/Youtube là công ty toàn cầu với một tư duy phẳng. Ở đó mọi thành viên đều bình đẳng. Mọi phán quyết được đưa ra không có điểm mờ, không có giới hạn địa lý và không có cả phân biệt về vị thế. Rất khác với những phiên tòa ở Việt Nam.
Do đó một cá nhân có thể dễ dàng thắng một đài truyền hình quốc gia, chỉ cần họ đúng! Ở đó cuộc chơi luôn công bằng, không có bao che, ngụy biện, gian lận mà chỉ có giá trị của lao động và sự sáng tạo.
Thế giới đang phẳng dần và sẽ còn phẳng hơn nữa. Do vậy, nếu cứ mang cái tư duy "ao làng" để hòng chộp giật một chút lợi ích trước mắt, thì ngay cả việc tồn tại và phát triển trong chính cái "ao làng" đó còn khó.
Vậy nên, trước khi nghĩ đến những điều to tát, hãy nhớ rằng trong một sân chơi toàn cầu, không có "đất" cho sự gian lận.
Theo báo Dân Việt