Hibatullah Akhundzada - người được gọi là chỉ huy của các tín hữu, đã lãnh đạo Taliban kể từ năm 2016 trong thời điểm phong trào này gặp khủng hoảng.
Trở thành thủ lĩnh tối cao đồng nghĩa với việc Akhundzada phải giải quyết bài toán thống nhất một phong trào thánh chiến đang trên đà tan vỡ sau hàng loạt các cuộc tranh giành quyền lực gay gắt.
Cuộc chiến trong nội bộ Taliban diễn ra khi phong trào này bị giáng những đòn liên tiếp: vụ ám sát người tiền nhiệm của Akhundzada và các nhà lãnh đạo Taliban đã che giấu cái chết của người sáng lập Mullah Omar.
Truyền thông phương Tây nắm rất ít thông tin về thực quyền của Akhundzada, những gì thế giới biết được về người đàn ông này chỉ là các thông điệp được phát đi hàng năm trong các ngày lễ lớn.
Ngoài một bức ảnh duy nhất do Taliban công bố, nhà lãnh đạo này chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng và nơi ở của Akhundzada được che giấu hoàn hảo.
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Kabul vào giữa tháng 8, Taliban này vẫn kín tiếng về các động thái của Akhundzada.
"Mọi người sẽ sớm được thấy ông ấy", người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói với các phóng viên trong tuần này khi được hỏi về tung tích của Akhundzada.
Sự im lặng liên tục diễn ra khi những người đứng đầu các phe phái Taliban công khai thuyết giảng trong các nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, hay gặp gỡ các nhân vật đối lập.
Bức màn bí ẩn
Taliban có truyền thống giữ kín tung tích của thủ lĩnh phong trào. Người sáng lập Mullah Mohammad Omar nổi tiếng với lối sống ẩn dật và hiếm khi đến Kabul khi phong trào này nắm quyền vào những năm 1990.
Omar cũng hầu như không bước chân ra khỏi khu nhà an toàn của mình ở Kandahar, thậm chí rất ít dịp gặp các phái đoàn đến thăm.
Tuy nhiên, lời nói của Omar vẫn có trọng lượng và không có nhân vật nào trong nội bộ Taliban dành được sự tôn trọng từ các thành viên như ông.
Người sáng lập Taliban Mullah Mohammad Omar nổi tiếng với hành tung kín kẽ. |
Laurel Miller - người đứng đầu chương trình châu Á của tổ chức International Crisis Group, cho biết Akhundzada "có vẻ đã áp dụng một phong cách ẩn dật tương tự như Omar."
Bà Miller cho rằng việc Hibatullah Akhundzada giữ kín tung tích của mình nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là vì người tiền nhiệm Mullah Akhtar Mansour từng bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.
"Một phát ngôn viên của Taliban đã chỉ ra rằng thủ lĩnh của họ sẽ sớm xuất hiện và ông ta có thể có lý do để làm điều đó để dập tắt những nghi ngờ về tình trạng của mình", bà Miller nói. "Nhưng cũng có thể sau khi xuất hiện, ông ta sẽ rút lui và thực thi quyền lực của mình từ xa, như Mullah Omar đã làm."
Đã có những tin đồn về việc Akhundzada mắc COVID-19 hoặc đã chết trong một vụ đánh bom. Các tin đồn không hay về thủ lĩnh Taliban đến vào lúc giai đoạn nhạy cảm khi phong trào này chỉ vừa giành được chính quyền.
Có vô số phe phái trong nội bộ Taliban, bao gồm các nhóm phiến quân và sắc tộc trên khắp lãnh thổ Afghanistan, đại diện cho một loạt các thành phần khác nhau.
Năm 2015, thông tin nhóm lãnh đạo Taliban che giấu cái chết của người sáng lập Mullah Omar trong nhiều năm đã châm ngòi cho một cuộc tranh giành quyền lực ngắn ngủi nhưng đẫm máu, với ít nhất một phe phái tách khỏi nhóm.
Khi Taliban đã nắm quyền và chấm dứt xung đột, việc cân bằng lợi ích của nhiều phe phái sẽ là yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực.
Bất kỳ khoảng trống quyền lực nào cũng có nguy cơ gây mất ổn định cho một phong trào đã cố gắng duy trì sự đoàn kết sau nhiều thập kỷ xung đột, hàng chục nghìn tay súng thiệt mạng và một loạt các lãnh đạo hàng đầu bị ám sát hoặc đưa đến nhà tù ở Vịnh Guantanamo.
Cũng có những suy đoán cho rằng ông trùm Hibatullah Akhundzada sẽ chỉ xuất hiện công khai một khi quân đội phương Tây hoàn toàn rút khỏi Afghanistan trong những ngày tới.
"Taliban vẫn ở trong tình trạng thánh chiến, chừng nào quân đội nước ngoài còn ở trên đất Afghanistan, họ sẽ giấu thủ lĩnh của họ cho đến khi an toàn", nhà phân tích an ninh người Pakistan Imtiaz Gul nhận định. "Đó là lý do tại sao lãnh đạo tối cao Taliban chưa lộ diện."