Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) năm 2016, với 2 phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) qua đường bưu điện và trực tuyến.
Nhiều thí sinh, chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại về việc liệu có xảy ra tình trạng nghẽn mạng, sập mạng vào cuối mỗi đợt xét tuyển.
Hết cảnh thuê xe cấp cứu, ăn chực nằm chờ nộp hồ sơ
Câu chuyện, hình ảnh về sự hỗn loạn trong kỳ thi xét tuyển ĐH năm ngoái có lẽ vẫn chưa dứt trong tâm trí nhiều người. Cảnh gia đình thí sinh thuê xe cấp cứu chở con đi rút hồ sơ vào ngày cuối cùng đợt xét tuyển; phụ huynh, học sinh vật vã nhìn thống kê điểm của các trường... có lẽ không gia đình nào ở Việt Nam muốn rơi vào.
Để khắc phục tình trạng tương tự, năm nay, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe, tiếp thu để có kỳ thi hai trong một hiệu quả, tiết kiệm nhất với nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới đưa ra trong dự thảo là thí sinh được chọn nộp hồ sơ ĐKXT qua đường bưu điện và trực tuyến.
Theo đó, thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Các đợt sau, thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Ảnh minh họa.
Theo quy chế dự thảo, các trường phải cập nhật dữ liệu ĐKXT lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, đồng thời báo cáo về Bộ GD-ĐT.
Được đánh giá là biết lắng nghe và kịp thời đổi mới, tuy nhiên, nhiều ý kiến rất lo lắng về việc đảm bảo đường truyền của các website. Em Phạm Hồng Nhung – học sinh trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) chia sẻ: “Kỳ thi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tất cả học sinh phổ thông.
Em thấy việc cho phép đăng ký xét tuyển trực tuyến giúp nhiều thí sinh, đặc biệt là các thí sinh miền núi như em thuận lợi. Nhưng em lo, các bạn và người nhà thường chờ đợi, nghe ngóng thông tin đến phút cuối mới đăng ký.
Nhiều người cùng vào đăng ký không biết mạng có bị nghẽn, treo, quá tải hay không?”. Cùng chung lo lắng, em Trần Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) – thí sinh mà năm trước từng trượt ĐH vào phút chót ngậm ngùi: “Tôi là người “thấm” nhất sự đỏ đen vào những phút cuối của kỳ xét tuyển ĐH năm ngoái. Tôi chỉ mong, sự cố đường truyền không xảy ra. Cảnh hỗn loạn trong tuyển sinh ĐH không tái diễn”.
Trao đổi với PV, Thạc sỹ Hoàng Đức Bình – Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh, trường ĐH Hoa Sen cho rằng: “Xuất phát từ căn nguyên năm vừa rồi thí sinh và phụ huynh kéo nhau tới các trường ĐH gây xáo trộn, hỗn loạn, Bộ mới đưa ra việc ĐKXT qua đường bưu điện và trực tuyến.
Năm nay, tôi nhận thấy có một số điểm phải lưu ý. Từng trường rõ ràng sẽ có mạng để thí sinh đăng ký, nhưng theo tôi, việc nộp vào từng trường có thể xảy ra trường hợp một em nộp vào nhiều nơi. Lúc đó, liệu có tình trạng các trường “đua” xem trường nào nhập vào trước thì được, trường nào nhập vào sau thì không được, có thể xảy ra việc tranh cãi sau đó giữa các trường”
Nỗi lo rủi ro khi... nghẽn mạng
Lý giải cho những băn khoăn trên, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, sẽ có một cơ sở dữ liệu chung do Bộ quản lý và bất kỳ trường nào cũng có thể truy cập. Với thí sinh, nếu đăng ký online phải nhập mã số của mình mới đăng ký được.
Còn trường ĐH, CĐ, khi nhận được phiếu đăng ký của thí sinh cũng phải nhập mã số của các em vào kho dữ liệu chung mới tải được thông tin của thí sinh vào danh sách xét tuyển của trường mình.
Phần mềm dữ liệu sẽ thiết kế để kiểm soát được mỗi thí sinh đã nhập bao nhiêu nguyện vọng. Nếu đã đăng ký 2 trường, nhập thêm trường thứ ba, phần mềm sẽ từ chối. Do đó, thí sinh cần lưu ý cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đăng ký vào trường nào, đặc biệt khi gửi đăng ký qua bưu điện.
Nếu thí sinh gửi đồng thời nhiều đăng ký đi thì nguyện vọng chính thức của các em sẽ phụ thuộc vào việc trường nào nhập được dữ liệu trước. Sau khi đã có 2 trường nhập dữ liệu của thí sinh, trường thứ ba sẽ không nhập được nữa và đương nhiên thí sinh mất quyền xét tuyển vào trường đó, mặc dù có thể đó chính là trường mà các em mong muốn nhất.
Không chỉ các học sinh lớp 12 – những thí sinh tham dự kỳ thi quyết định tương lai này lo lắng, băn khoăn về việc ĐKXT sao cho “đầu xuôi đuôi lọt” mà nhiều chuyên gia cũng sợ kịch bản quá tải vào “thời khắc vàng” mỗi đợt xét tuyển sẽ xảy ra.
Theo Thạc sỹ Bình, vào phút chót của mỗi đợt xét tuyển, hoàn toàn có thể xảy ra việc nghẽn mạng, sập mạng do quá tải người vào. “Cá nhân tôi là người làm công tác cho sinh viên đăng ký học môn học tín chỉ trực tuyến cũng từng bị vậy”, ông nói.
Theo ông Bình, việc hàng triệu thí sinh truy cập vào cùng một lúc sẽ có thể xảy ra nghẽn mạng và vấn đề đó thí sinh và người nhà phải biết. Đó là thách thức với họ, khó có phương thức nào bảo toàn tất cả.
Theo quy định, thời gian đăng ký xét tuyển đợt đầu là 12 ngày, các đợt sau là 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, thí sinh phải dựa trên kết quả của mình để tiên liệu nguyện vọng phù hợp nhất. Việc thí sinh cố chờ đến phút cuối mới đăng ký hoàn toàn có thể gặp rủi ro.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Năm nay, ngay từ đầu, thí sinh đã được đăng ký vào hai trường, nghĩa là đã được tạo thêm cơ hội. Năm trước, việc chờ đợi đến phút chót còn có thể có thêm thông tin, chứ năm nay, việc chờ này đâu có ý nghĩa gì”.
Đỗ Thơm