Mới đây, trong quá trình kiểm tra, thống kê số liệu trước khi gửi giấy trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên tại TPHCM thì Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát hiện, mỗi thí sinh như vậy cùng lúc trúng tuyển vào khoảng 4 trường đại học uy tín. Đó là chưa kể nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra năng lực hay hình thức xét tuyển bằng học bạ… mà hàng loạt trường đại học đang triển khai.
Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thấy, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học năm 2019 gần 490.000, tăng 7% so với năm 2018. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia xấp xỉ 342.000 chỉ tiêu, tương đương năm 2018. Các phương thức khác tăng 36.000 chỉ tiêu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, số thí sinh “ảo” theo các hình thức xét tuyển năm nay là không hề nhỏ. Bên cạnh số lượng hồ sơ “ảo”, mặt bằng chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là vấn đề đáng lo ngại. Dẫn ví dụ có nhiều sinh viên của trường điểm xét theo học bạ rất cao nhưng vào học được một thời gian thì không theo nổi, hay có em điểm học bạ gần 28 điểm mà thi Trung học phổ thông Quốc gia chỉ 17-18 điểm…
Ông Dũng cho rằng phương thức khác nhau không thể tạo ra đầu vào giống nhau. Vậy nên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng các trường cần ngồi lại để thống nhất những phương thức quan trọng chứ không phải cứ càng nhiều phương thức xét tuyển là hiệu quả.
“Tôi vẫn ủng hộ xu thế xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vì khi chúng ta cho các em có một mặt chung tổng thể ở đầu vào thì chất lượng sẽ đồng đều so với việc áp dụng quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Đa dạng quá có thể gây ra tình trạng lộn xộn và gây “ảo” nhiều phần”, ông Dũng nói.
Nói đến tỷ lệ “ảo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, cái khiến nhiều trường đại học đau đầu nhất hiện nay là việc dự đoán nhu cầu để gọi sinh viên đúng với chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định vì gọi thiếu sẽ không đủ nguồn lực “nuôi quân” mà gọi dư thì bị phạt.
Cùng suy nghĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM khẳng định đây là cái khó khiến nhiều trường băn khoăn nhất hiện nay. Đa phần các trường dự đoán dựa trên kinh nghiệm chứ không hề có sự hỗ trợ nào để trừ hao giữa năm này với năm kia nhằm tránh bị xử phạt.
Ông Hải tâm tư: “Năm nay trường gọi bao nhiêu thì tuyển sinh được như thế nào, chuyện đó chẳng khách gì “đếm cua trong lỗ”. Khi gọi tuyển sinh, chúng tôi dự trù khoảng 90% nhưng các em chỉ vào mới 80% là chúng tôi thiếu chỉ tiêu. Năm nay thiếu chỉ tiêu sẽ không được bù đắp bằng chỉ tiêu của năm sau mà nếu các trường gọi dư thì sẽ bị phạt, bị kỷ luật. Do đó, theo tôi, nếu như năm nay các trường đoán không được tỷ lệ tuyển sinh hoặc dự đoán không chính xác thì Bộ Giáo dục – Đào tạo cần tạo điều kiện cho các trường được bù đắp chỉ tiêu đó cho năm sau. Việc xử lý về dư chỉ tiêu cần được thực hiện trong giai đoạn dài hơn, 3 năm chẳng hạn”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học, Đại học quốc gia TPHCM lại trăn trở về nguồn dữ liệu thông tin từ thí sinh. Hiện nay Bộ Giáo dục – Đào tạo thống nhất đầu mối đăng ký xét tuyển trên toàn quốc. Thí sinh thì đăng ký thông tin với sở giáo dục – đào tạo tại địa phương. Trong khi đó, các trường lại thực hiện quá trình xét tuyển. Đặc biệt một số trường còn tổ chức thi năng khiếu. Việc thí sinh đăng ký thông tin một nơi khiến các trường không biết được thông tin mà các em đăng ký vào trường mình như thế nào để kịp thời có những thông báo gửi đến các em hoặc gọi thí sinh thi năng khiếu. Đó là khó khăn mà nhiều trường đang gặp phải.
Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ |
Từ những khó khăn trên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng họ cần thêm những hỗ trợ để gia tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh vì hiện nay vẫn còn vài nút thắt khó tháo. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Lê Hải An cho rằng, việc áp dụng các phương thức xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên vẫn cần cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đánh giá được cả quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Bộ sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm của các trường về tuyển sinh, chất lượng đào tạo.