Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức vào sáng 17/7, báo Người Lao Động đưa tin.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công. Theo kết quả công bố, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%).
"Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70% nhưng con số này cho thấy kết quả đã phản ánh dần đến thực chất", ông Nhạ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như lịch sử, tiếng Anh.
"Không phải năm nay 2 môn này mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Năm nay, khi phân tích phổ điểm, nhìn chung lịch sử và tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho các kỳ thi tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nói thêm về phổ điểm năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, lý giải nguyên nhân vì sao môn này môn kia thấp, mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Ông Nhạ cũng cho biết phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nhấn mạnh điểm đến của các trường đại học không phải là tuyển sinh cũng không phải là quá trình đào tạo mà phải là sản phẩm đầu ra như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và phải là chất lượng đào tạo theo đúng nhu cầu xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Theo ông Mai Văn Trinh, tuyển sinh là một chỉ số, quá trình đào tạo là một chỉ số nhưng quan trọng nhất, căn cơ và bài bản phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó là kết hợp với một số nhóm vấn đề cơ bản: Đầu tiên phải là cơ chế quản lý; tiếp đến là đội ngũ cán bộ bao gồm: Cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy. Kế đến là cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng và trước mắt trong mỗi cơ sở giáo dục đào tạo là trách nhiệm với mỗi sinh viên. Chúng ta đào tạo sinh viên như thế nào để sau quá trình đào tạo các em có việc làm.
Vấn đề thứ hai là phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm của mình với xã hội.
Vấn đề thứ ba, chúng ta phải tập trung kiểm định chất lượng. Trong thời gian tới đây, cần tập trung mạnh vào kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.
“Chúng ta biết rất rõ: Khoản 5 Điều 33 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng” – ông Mai Văn Trinh dẫn giải.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, đối với cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là vấn đề hết sức căn cốt và cốt lõi. Đề nghị các trường sẽ vận hành theo kế hoạch để thực hiện điều này.