Sau chiến công nức lòng người hâm mộ và ngộp thở với màn chào đón – vinh danh – khen thưởng từ Hà Nội, về tỉnh, về quê, về nhà, các chàng trai U23 Việt Nam giờ này hẳn sẽ chỉ có những mong ước giản dị, đời thường như Quang Hải được ăn món phở bò hay món gà chạy bộ, như Văn Đức “được ngủ một giấc thật sâu..”, như Xuân Mạnh “được về bên mẹ là đủ…”
Sau ánh hào quang rực rỡ, bây giờ sẽ là đời thường lắm nỗi …
Còn nhớ hồi SEA Games 22 sau màn tỏa rực của Văn Quyến, nhiều người bỗng nhận ra mọi việc không chỉ một màu hồng, thậm chí còn có cả những khoảng tối đáng e ngại. Một lãnh đạo tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ thổ lộ “Lạ lùng, mình gọi Quyến ơi mà không thấy ngoảnh lại, cũng không có một lời chào tối thiểu?”. Báo chí lúc đó có bài viết khá lạ tai “Tập nói cho Quyến”, đọc xong thì chợt hiểu, à ra thế.
Nhưng nhìn vào lứa cầu thủ U23 bây giờ, có thể thấy mọi việc dường như đã khác xưa!
Ai không mê bóng đá vẫn có thể biết chuyện Xuân Trường và các đồng đội ở Hoàng Anh - Gia Lai thoải mái, tự tin như thế nào khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài bằng Tiếng Anh làu làu như “cháo chảy”. Ai cũng biết chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khen thủ môn Tiến Dũng “ngoan ngoãn, lễ phép” hôm dạ hội chào mừng ở sân Mỹ Đình.
Rồi các cuộc phỏng vấn, giao lưu của các tuyển thủ U23 Việt Nam ở đủ các loại hình sân khấu, báo chí, mạng xã hội, đời thường, dường như tất thảy đều đúng mực, chân thành và “đẳng cấp” như câu trả lời của Xuân Trường: “Đội bóng này không có ngôi sao nào. Chỉ có một ngôi sao vàng duy nhất trên ngực áo!”
Trên sân đấu khốc liệt và không khoan nhượng, sân cỏ tiêu chuẩn hay… ruộng tuyết ướt buốt, họ đoạt giải Fair Play! Bước ra khỏi đường pitch (đường ném bóng), họ lại chiếm trọn lòng tin yêu, khâm phục của người hâm mộ trong và ngoài nước.
Bây giờ về bên Mẹ và trở lại xuất phát điểm đầu tiên.
Không và chưa kịp nói ra nhưng hầu như bất cứ tuyển thủ U23 nào cũng biết, điều họ có được hôm nay, trước hết và sau cùng bắt đầu từ người mẹ tảo tần hết mực. Trước khi gặp và học được từ thầy Park đáng kính vô vàn điều quý báu, người mẹ nghèo khó của Văn Đức đã chỉ dùng một suất ăn có giá 10.000 đồng, dành cho con 20.000 đồng để “con ăn lấy sức mà thi (tuyển vào “lò” Sông Lam Nghệ An)”. Biết con chấn thương chưa hồi phục, mẹ Công Phượng giấu nỗi lo trong im lặng, chỉ biết động viên con cố gắng, cho kịp bè, kịp bạn.
Làm nhiệm vụ ở đội tuyển nhưng Xuân Mạnh vẫn mang nỗi lo về món nợ nơi quê nhà và lời hứa sẽ cố gắng, sẽ “cày” thật lực để góp tiền giúp mẹ vượt qua đận khó này.
Lần này về, Xuân Trường lại sẽ lên nương, lên rẫy như đã từng và Tết này có thể lại tham dự một trận bóng làng hăng say hết cỡ như xuân nào Văn Quyến cũng xỏ giày trở lại sân làng như một sự tri ân lấm lem quê kiểng!
Điểm xuất phát đầu tiên, bắt đầu từ mẹ, từ những người thầy, người đồng đội chưa thành công, kém may mắn, thậm chí thất bại, những trận đấu trong và ngoài sân cỏ, những toan tính phức tạp, khó lường… Liệu những chàng trai từng tràn đầy tự tin tự tin, thể lực, kỹ chiến thuật để vượt qua cả hiệp chính lẫn hiệp phụ và các cú sút luân lưu cân não của bóng đá, có giữ được bản lĩnh đó trên “sân bóng” cuộc đời thăm thẳm phía trước…?
Theo Tuanvietnma/Vietnamnet