2,2 tỷ người đang phải sống trong cảnh thiếu nước uống an toàn, 3,5 tỷ người không có hệ thống vệ sinh sạch sẽ, những con số đáng báo động cho thấy mục tiêu của Liên Hợp Quốc về nước sạch cho tất cả mọi người vào năm 2030 còn xa vời. Nguy cơ bất bình đẳng trong vấn đề này càng gia tăng, khiến những người khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hạn hán và khan hiếm nước
Hạn hán và khan hiếm nước ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 1,4 tỷ người trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2021. Gần một nửa dân số thế giới phải trải qua ít nhất một lần thiếu nước sinh hoạt trong năm 2022. Biến đổi khí hậu dự đoán sẽ làm tình trạng này thêm tồi tệ.
Nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng nước
Thiếu nước ảnh hưởng đến toàn cộng đồng, nhưng trẻ em gái và phụ nữ thường là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại nhiều vùng quê, gánh nặng tìm kiếm nước đè nặng lên vai những người phụ nữ và trẻ em gái. Thiếu nước ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ, từ học tập, kinh tế đến sức khỏe và an toàn.
Thay vì được đến trường học tập, vui chơi như bạn bè, các em phải dành nhiều giờ mỗi ngày để tìm kiếm nguồn nước quý giá.
Thiếu nước còn tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực, thiếu hụt thức ăn và suy dinh dưỡng. Trẻ em gái và phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai và cho con bú là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Khan hiếm nước sạch còn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn. Trẻ em gái đang đến tuổi dậy thì có nguy cơ cao mắc các bệnh phụ khoa do thiếu nước sạch để vệ sinh cá nhân.
Mối liên hệ giữa di cư và nước
Di cư do thiếu an ninh nước là vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khan hiếm, người dân buộc phải di dời đến nơi khác để tìm kiếm nguồn nước sạch. Việc di cư ồ ạt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở khu vực tiếp nhận, dẫn đến mâu thuẫn và xung đột.
Hợp tác quốc tế được xem là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng nước. Nhu cầu về các hiệp định xuyên biên giới để quản lý tài nguyên nước chung ngày càng trở nên cấp thiết. Các quốc gia cần chung tay xây dựng và thực thi các hiệp định này để đảm bảo sử dụng nước một cách công bằng và bền vững, góp phần giảm nguy cơ xung đột và tranh chấp.
Hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng nước. Ảnh: UNESCO |
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của cộng đồng để bảo vệ nguồn nước. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.