Cửa hàng bốn tầng, tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay lối vào Myeong-dong, khu mua sắm sầm uất nhất Seoul, giờ đây treo một tấm biển ghi "Cảm ơn sự chiếu cố của quý khách", theo Nikkei Asia.
Cửa hàng là biểu tượng nổi bật của một trong những thương hiệu lớn nhất Nhật Bản, và là tâm điểm của phong trào tẩy chay các sản phẩm Nhật tại Hàn Quốc bắt đầu vào mùa hè năm 2019. Phong trào tẩy chay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, dù đã suy yếu đáng kể.
Cửa hàng flagship của Uniqlo ở Seoul. Ảnh: Nikkei. |
Lý do khiến Uniqlo đóng cửa cửa hàng không chỉ là phong trào tẩy chay. "Hoàn toàn không có du lịch nước ngoài vì virus corona, khiến toàn bộ lĩnh vực bán lẻ bị tàn phá", một nhân viên cho biết.
Myeong-dong là địa điểm không thể bỏ qua đối với gần như mọi du khách đến Hàn Quốc. Không còn người qua lại như trước, các cửa hàng trên tuyến đường chính của khu này đều đã bị đóng cửa.
Song phong trào tẩy chay là yếu tố góp phần dẫn đến việc đóng cửa. Với việc dịch bệnh xảy ra ngay sau phong trào tẩy chay, Uniqlo Hàn Quốc đã chứng kiến doanh thu giảm một nửa trong vòng một năm tính đến tháng 8 và ghi nhận khoản lỗ vận hành 88,3 tỷ won, tức hơn 80 triệu USD, trong giai đoạn đó.
Phong trào tẩy chay diễn ra sau quyết định của Nhật Bản vào tháng 7 năm ngoái về việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc. Dù chuyện này bây giờ không còn được nói đến nhiều, hệ quả vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Các mặt hàng như quần áo, bia và ôtô vẫn đang gặp khó khăn. Doanh số bán ôtô Nhật Bản vẫn chưa trở lại mức trước khi bị tẩy chay. Nissan Motor đã rút khỏi thị trường hoàn toàn và không có doanh số bán hàng tại đây kể từ tháng 10.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở vào một trong những giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử. Không có nhiều dấu hiệu tan băng và hai nước vẫn phải đối mặt với vô số vấn đề từ tranh chấp lịch sử đến xử lý nước thải liên quan đến sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011.