Ước mơ lặng câm

Một dàn đồng ca hát không thành lời. Một ước nguyện có mái nhà chung mãi không được lắng nghe. Có một nhóm những người câm điếc ở Sài Gòn loay hoay trong căn nhà hơn 10 mét vuông và mơ về một ngày những gì mình nghĩ, bật ra được thành tiếng.
Cô Thảo đang "hát" trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Cô Thảo đang "hát" trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Dàn đồng ca không lời

7h tối, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ, một nhóm người câm điếc tập hợp. Một người phụ nữ già, cùng với 3 cậu thiếu niên, trong những chiếc áo phông “đồng phục” xin được từ một cửa hàng kem gần đó. Họ dựng lên một chiếc loa thùng, đặt lên trên một thùng quyên góp, và bắt đầu buổi biểu diễn của mình. Họ hát. Một dàn đồng ca câm điếc. Trên chiếc thùng quyên góp ghi: “Nhóm điếc câm hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. Cám ơn nhiều lắm!”.

Chắc ít người có thể tưởng tượng được một nhóm câm điếc sẽ “hát” ra sao. Nhưng chứng kiến rồi, nhiều người sẽ phải dừng lại. Đám người vây quanh dàn đồng ca điếc câm cứ đông lên, và những khuôn mặt chuyển dần từ sự ngỡ ngàng, thích thú sang suy tư. 

Ước mơ lặng câm ảnh 1"Dàn đồng ca" điếc câm trên phố Nguyễn Huệ

Từ băng cát xét vọng ra những khúc ca ngợi cuộc đời. Người phụ nữ lớn tuổi - cô Thảo - nghe băng và diễn đạt lại cho những đứa trẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Chúng “hát” theo. Họ hát, nhưng mà như đang múa bằng tay. Ca từ được diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu, còn phần hòa âm được diễn lại bằng những cây đàn tưởng tượng. Họ đưa cánh tay lên, mắt nhắm lại, kéo những cây đàn violin hay cây sáo tàng hình. Người xem tất nhiên không hiểu được ngôn ngữ ký hiệu, chỉ mang máng đoán được nhờ bài hát đang phát ra từ loa. Bàn tay đưa từ tim ra là tình yêu? Ngón tay đặt lên đầu là nỗi nhớ? Trong cuộc biểu diễn lạ kỳ, khán giả chỉ cảm nhận, chứ không cần hiểu, và cũng chẳng cần cảm thấy “hay”. Họ xúc động vì một điều khác.

Dàn đồng ca cứ “hát” liên tục như thế nhiều tiếng đồng hồ không nghỉ. Chỉ có một cậu nhóc đứng cuối hàng, đôi lúc dừng lại để cúi đầu cảm ơn những người tiến lại, cho tiền vào hòm quyên góp.

Nhóm “hát” ấy đã quen lắm với đường đi bộ Nguyễn Huệ, từ những người khách vãng lai hay người bán rong nơi này. Nhưng không ai biết gốc tích của họ. Một ngày, người phụ nữ ấy dắt đám trẻ đến đây, và “hát” xin tiền. Trong mắt vài người, nó còn giống một cuộc chăn dắt kiếm lời - như một kịch bản đôi lúc vẫn diễn ra trong thành phố khổng lồ này.

Ước mơ lặng câm ảnh 2

Cô Thảo và một em nhỏ điếc câm "trò chuyện" trong căn gác nhỏ

Nhưng đằng sau nhóm đồng ca điếc câm ấy có một lý tưởng. Trong suốt hơn 30 năm qua, đời cô Thảo chỉ gắn bó với việc nuôi dạy những người điếc câm: con trai duy nhất của cô, Khiêm, cũng bị khiếm thính bẩm sinh. Trong suốt những năm tháng vất vả dạy con, cô nhận ra rằng cuộc sống của một người điếc câm sẽ vất vả đến thế nào: còn con mắt, nhưng họ sẽ khó học hành hơn người khiếm thị rất nhiều, bởi bị tước mất khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Phần lớn người câm điếc mà cô biết mù chữ, nghèo khổ. Rồi cô Thảo quyết định rằng mình sẽ mở lớp học cho những người điếc câm.

Cô đi tìm mượn địa điểm khắp nơi, dùng ngôn ngữ ký hiệu mình tự học trong những năm tháng nuôi con, dạy họ đọc-viết, dạy họ kỹ năng sống. Cô cùng Khiêm đi lang thang khắp các con phố Sài Gòn, đi tìm những người điếc câm đang vạ vật lề đường hay làm thuê làm mướn, rồi kêu họ tới lớp.

Những ước mơ

Như một nụ cười nhẹ của số phận: dàn đồng ca điếc câm sống trong một căn phòng nhỏ xíu hơn 10 mét vuông ngay phía trên phòng trà Không Tên nổi tiếng của Lệ Quyên trên đường Lê Thánh Tôn.

Căn nhà ấy được nhà nước cấp cho vợ chồng cô Thảo thời còn đi làm cán bộ. Giờ cô dành để nuôi những đứa trẻ tật nguyền. Bọn trẻ con câm điếc trong thành phố này, nếu tìm được việc làm, đi rửa xe hay phụ bàn, thì sẽ ngủ luôn ở nơi làm việc. Còn khi nào thất nghiệp, không có chỗ ngủ, thì về chỗ này, nằm xếp cạnh nhau như cá mòi, cô Thảo nuôi. Ban ngày đi lượm ve chai hay gì khác, còn buổi tối, ra đường đi bộ Nguyễn Huệ hát kiếm tiền. Mỗi buổi như thế cũng xin được vài trăm ngàn, đủ tiền ăn.

Căn phòng chật, đồ đạc chất đầy. Khiêm, con trai cô Thảo là họa sỹ. Cậu là một sinh viên sáng giá của Đại học Mỹ thuật Thành phố, hệ chính quy với số điểm đậu tới 29,5. Chỉ hơn mười mét vuông, xếp đầy tranh, tượng, những thùng đồ, chỉ còn chừa đủ chỗ cho mấy đứa trẻ câm điếc nằm sát cạnh nhau. Và chỗ cho một ước mơ xa vời: thành lập Hội người điếc câm TP Hồ Chí Minh.

Cô Thảo muốn lập hội. Cô nghĩ rằng tại sao người mù có hội riêng, còn người điếc câm cũng khổ quá, mà không có ai đứng ra đại diện. Người phụ nữ già nua cứ nói mấy câu lại chực bật khóc. Người điếc câm nghèo lắm, có cặp kia, người chồng ốm đi viện mà không có tiền chữa, đến lúc chết rồi cũng không có nổi tiền mua quan tài. Mà toàn người thất học, có bao giờ biết đi đòi hỏi chế độ gì cho bản thân đâu. Tại sao không có bảo hiểm y tế dù là hộ nghèo, tại sao không có cái vé xe buýt dành cho người khuyết tật cũng không biết làm sao để hỏi. Hỏi làm sao được, cứ hoa chân múa tay vậy ở cơ quan ai người ta giải quyết.

Phần lớn người điếc câm, dù được đi học đến lớp 4, lớp 5, đều coi như mù chữ. Đến tên mình cũng không biết viết.

Rồi không có một tư cách gì, đi mượn một địa điểm để dạy chữ cho người điếc câm, hoặc tập hợp sinh hoạt, cũng không được. Đi tới đâu người ta đuổi tới đó. Có những khi đến nhờ một nhà văn hóa, bị người ta đuổi ra tận đằng sau, toàn rác rến và cống rãnh hôi thối, ngồi đó mà sinh hoạt. Cô Thảo kể rồi lại khóc. Hoặc có khi, được một nhà trường cho mượn phòng học rồi, đến khi người ta thấy tụi nhỏ đi hát, đi làm có tiền, quyên lại được mấy triệu bạc muốn mua cái máy ảnh để sinh hoạt tập thể, người ta lại nghi kị. Có tiền mà sao lại đi xin? Họ lại đuổi đi. Cứ thế, cái nhóm điếc câm của cô Thảo, dù có mấy trăm người sinh hoạt, nhưng vô thân vô phận. Họ được những người trong giới hoạt động xã hội gọi là “Tổ chức cộng đồng người điếc câm TP HCM”, nhưng thật ra chẳng có “tổ chức” nào.

Cô Thảo còn muốn lập hội vì một lẽ khác nữa: cô muốn có một bộ từ điển dành cho người điếc câm tại Việt Nam. Mỗi vùng miền, thậm chí là mỗi gia đình có con điếc câm, tự phát triển ngôn ngữ của riêng mình. Cộng đồng cứ tự sinh tồn như cây cỏ. Người vùng này có khi không nói chuyện được với vùng kia. Trong quá khứ, cũng có một vài nỗ lực từ các nhà xuất bản gom được vài ngàn từ được quy chuẩn hóa. Nhưng như thế là quá ít. Cô Thảo muốn có một bộ từ điển lớn. Mà để có điều ấy, cô cần một cái tư cách để đứng ra kêu gọi cộng đồng điếc câm từ các vùng miền cùng chung tay.

Nhưng sau 8 năm kiên trì tìm cách thành lập Hội người điếc câm TP HCM, cô Thảo vẫn chỉ có một căn phòng trọ nhỏ với cái nhóm hát rong “nổi tiếng” kia. Những lời kêu gọi của cô không được đáp lại.

Ước mơ lặng câm ảnh 3

cô phạm cao phương thảo

“Câm điếc đi làm việc làm sao?”

Hành trình của mẹ con cô với các cấp chính quyền để xin thành lập hội điếc câm là một hành trình vô tận. Người phụ nữ ấy, đã tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn, đứng chôn chân trước rừng thủ tục hành chính được dựng lên.

Đầu tiên, người ta hỏi cô rằng “Ban lãnh đạo hội toàn người câm điếc thì làm sao đi làm việc giao dịch với các cơ quan đoàn thể khác được?”. Cô về loay hoay thuyết phục nhiều trí thức có uy tín cùng đứng tên xin thành lập hội.

Lần sau, cô lại được hỏi rằng “Người lành lặn làm sao mà đại diện cho người điếc câm được?”. Lần này cô chịu, không biết phải làm thế nào.

Cô đề nghị cho Khiêm, con trai mình, làm lãnh đạo hội. Người ta bảo người lãnh đạo nên có bằng đại học. Khiêm học hết đại học rồi, người ta lại nói ba mấy tuổi đầu làm sao mà lãnh đạo được. Cứ thế, hết lần này tới lần khác, việc có một cái Hội vẫn chỉ là một ước mơ lặng câm.

Có lần, cách đây mấy năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã ra quyết định công nhận ban vận động thành lập hội. Theo quy định, thì sau quyết định ấy phải có câu trả lời xem có cho phép thành lập hay không. Rồi chờ đợi mấy năm, vẫn không thấy.

Cô Thảo không bỏ cuộc. Nhưng cô cũng chưa biết phải tiếp tục như thế nào. Bây giờ, cô và Khiêm vẫn chỉ dừng lại ở việc cố gắng xây dựng một cộng đồng cho người điếc câm, rồi tuyên truyền cho xã hội biết và hiểu hơn về họ. Bằng tiền đi hát rong.

Cô Thảo có nhiều con. Hàng trăm đứa. Từ một Khiêm mà cô khóc ròng trong bất lực mấy chục năm trước để nuôi dạy, cô đã dìu dắt cả trăm đứa trẻ khác để chúng sống làm người lương thiện, hay chỉ đơn giản là thêm chút nhận thức khi bước vào đời. Cô cũng đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Nhưng cô không cảm thấy hài lòng với những điều ấy. Cô vẫn khóc. Khóc vì uất ức. Vì không có một chỗ cho bọn trẻ ngồi học tử tế. Vì khi một người câm điếc chết đi, không có nổi tiền mua cỗ quan tài, cô cũng không có tư cách gì đứng ra mà kêu gọi cộng đồng giúp người ta. Cô muốn những người câm điếc được chính danh.

Ở đó, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ, nằm kẹp giữa trụ sở của Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI và một cửa hàng McDonalds, những biểu tượng về sức mạnh kinh tế và tốc độ phát triển của thành phố tráng lệ này, có một nhóm người mang cảm giác bị lãng quên. Họ đứng đó, hát những khúc ca yêu thương cuộc sống. Nhưng những khúc ca ấy không thành lời. Khi quay về với căn phòng chật chội và dột nát, họ vẫn khóc.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.