Các nhà khoa học tại Đại học Oxford đang nghiên cứu phát triển vaccine ngừa ung thư buồng trứng đầu tiên trên thế giới, nhằm ngăn ngừa căn bệnh cướp đi sinh mạng của gần 26.000 phụ nữ ở Liên minh châu Âu mỗi năm.
Vaccine mang tên OvarianVax này sẽ “huấn luyện” hệ miễn dịch nhận biết và chống lại giai đoạn sớm nhất của ung thư buồng trứng, một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn khi việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Vaccine sẽ hướng đến những phụ nữ mang đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Hiện nay, một số phụ nữ có đột biến này lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng để ngăn ngừa ung thư, dù điều này khiến họ không thể sinh con.
Tiến sĩ Ahmed Ahmed, bác sĩ chuyên khoa ung thư phụ khoa tại Oxford và là trưởng nhóm dự án OvarianVax, cho biết: "Chúng ta cần những chiến lược tốt hơn để ngăn ngừa ung thư buồng trứng. Việc “ huấn luyện” hệ miễn dịch nhận biết các dấu hiệu rất sớm của ung thư là một thách thức lớn. Nhưng giờ đây chúng tôi có những công cụ tiên tiến, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cách hệ miễn dịch nhận biết ung thư buồng trứng".
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Ahmed sẽ tìm hiểu hệ miễn dịch nhận biết các protein khác nhau trên bề mặt tế bào ung thư buồng trứng như thế nào, đồng thời thực hiện các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để đo lường hiệu quả tiêu diệt các mô hình ung thư thu nhỏ (organoid) của vaccine. Nếu những thử nghiệm ban đầu này thành công, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của vaccine trên người.
Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Cancer Research UK, nhận định dự án này có thể giúp phát hiện nhiều dữ liệu quan trọng trong phòng thí nghiệm, giúp hiện thực hóa mục tiêu cải thiện tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư buồng trứng".
Cancer Research UK sẽ tài trợ tối đa 600.000 bảng Anh (khoảng 18 tỷ đồng) cho nghiên cứu OvarianVax, đồng thời lưu ý rằng có thể mất nhiều năm nữa trước khi vaccine này được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Nhiều loại vaccine ngừa ung thư khác đang được phát triển
Trong những năm tới, các loại vaccine ngừa các dạng ung thư khác cũng có thể được đưa vào sử dụng. Tháng 3/2024, các nhà khoa học Oxford công bố đang nghiên cứu vaccine ngừa ung thư phổi, sử dụng công nghệ tương tự như vaccine COVID-19 họ đã phát triển cùng với hãng dược AstraZeneca.
Bên cạnh đó, vaccine ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) có thể gần như loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung ở thế hệ tiếp theo. Kể từ khi Scotland triển khai chiến dịch tiêm chủng HPV vào năm 2008, chưa ghi nhận trường hợp ung thư cổ tử cung nào ở những phụ nữ được tiêm phòng đầy đủ ở độ tuổi 12-13.
Các loại vaccine điều trị cho người đã mắc ung thư cũng đang được phát triển. Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra vaccine cá nhân hóa nhằm vào các đột biến cụ thể của hàng nghìn bệnh nhân ung thư.
Trong nghiên cứu này, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó được tiêm một loại vaccine được thiết kế riêng. Các nhà nghiên cứu hy vọng vaccine này sẽ kích thích phản ứng miễn dịch để nhận biết và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.