Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, vaccine phòng bệnh tay chân miệng do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institute, Đài Loan, Trung Quốc) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Năm 2010, Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI đã tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên khỏe mạnh. Kết quả, 90% người nhận vaccine đã có mức kháng thể có khả năng chống lại virus tăng gấp 4 lần sau tiêm.
Từ năm 2014 - 2017, vaccine được tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với 365 tình nguyện viên từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi tham gia. Từ năm 2019 đến năm 2021, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tiến hành trên 3.049 trẻ em có độ tuổi từ 2 tháng đến 6 tuổi tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc); trong đó có 80% trẻ ở Việt Nam. Tại Việt Nam, trẻ ở 6 huyện thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp được chọn thử nghiệm lâm sàng, bởi đây là hai địa phương có tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng cao ở khu vực phía Nam.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn cho hay, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Trẻ hầu hết ở nhà, ít đi học, tần suất mắc bệnh ít hơn. Do đó, thời gian nghiên cứu buộc phải kéo dài hơn dự kiến. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy, hiệu quả bảo vệ chung của vaccine giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 là 96,8%, chưa ghi nhận ca mắc tay chân miệng nào trong nhóm trẻ được tiêm vaccine trong thời gian nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận gây sốc phản vệ sau tiêm. Khoảng 30% phản ứng bất lợi hay gặp sau tiêm như: sưng, đau, đỏ vết tiêm… tương tự như các vaccine khác. Các phản ứng toàn thân chiếm 42,6% chủ yếu nhẹ và trung bình, các phản ứng này sẽ tự hết trong 1-3 ngày.
Dựa trên đánh giá hiệu quả và theo quy trình thử nghiệm lâm sàng, đơn vị sản xuất đã gửi hồ sơ đến Bộ Y tế đăng ký phê duyệt. “Nếu được phê duyệt, đây là vaccine phòng tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam, có tác dụng giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 (Enterovirus 71) - chủng virus nguy hiểm nhất gây bệnh tay chân miệng thể nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn nhận định.
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đang hợp tác triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 một loại vaccine phòng tay chân miệng EV71 khác, dự kiến có kết quả vào năm 2025.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ em. Với các bệnh truyền nhiễm, vaccine luôn là biện pháp hiệu quả và căn cơ nhất. Do vậy, việc sớm có vaccine phòng bệnh tay chân miệng có ý nghĩa lớn giúp kiểm soát bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật do tay chân miệng gây ra.