Theo kênh CNN (Mỹ), vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) đang được thử nghiệm lâm sàng ở một số quốc gia để nghiên cứu hiệu quả trong phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Vắc-xin BCG có từ cả thế kỷ nay và tương đối an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi BCG là vắc-xin an toàn nhất thế giới. Trên 3 tỷ người đã dùng vắc-xin này.
Mặc dù một số quốc gia không tiêm chủng BCG thường xuyên cho trẻ em nhưng vắc-xin này được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển. Các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu có phải những nước tiêm chủng BCG thường xuyên có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp hay không.
Lao và COVID-19 là hai bệnh rất khác nhau. Lao do một loại vi khuẩn gây ra, còn COVID-19 do một chủng mới của virus Corona gây ra. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Denise Faustman, Giám đốc sinh học miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), BCG có thể giúp con người xây dựng phản ứng miễn dịch với những bệnh khác ngoài lao, tạo ra “hiệu quả ngoài mục tiêu”. Bà Faustman giải thích: “Nói cách khác, trong thử nghiệm lâm sàng, mọi người bắt đầu tiêm vắc-xin này để có lợi ích tích cực không liên quan gì tới bệnh lao”.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh ở Madagascar. Ảnh: CDC |
Bà Faustman quan tâm tới cách “hiệu quả ngoài mục tiêu” thay đổi hệ miễn dịch theo hướng có lợi với những người có bệnh tự dị ứng như tiểu đường tuýp 1. Mặc dù cơ chế chính xác của hiệu quả ngoài mục tiêu mà vắc-xin BCG mang lại chưa rõ ràng nhưng các nhà khoa học cho rằng vắc-xin này có thể kích thích phản ứng miễn dịch.
Thế giới quan tâm tới BCG sau khi Trường Y tế Công cộng Bloomberg tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở những nước có tiêm chủng BCG thấp hơn gần 6 lần so với những nước không dùng BCG.
Các nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins đã tính tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân của 50 quốc gia có ca nhiễm cao nhất thế giới. Sau khi tính tới tình trạng kinh tế và dân số già, quan sát cho thấy có liên hệ giữa BCG và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp.
Một số quốc gia đang thử nghiệm lâm sàng trên người để đánh giá hiệu quả của vaccine BCG như Mỹ, Australia, Hà Lan…
Tại Mỹ, Tiến sĩ Faustman và đồng nghiệp đang chuẩn bị thử nghiệm ở Boston sau khi xong một số quy trình rà soát. Một khi được chấp nhận, bà và đồng nghiệp hy vọng có thể huy động 4.000 nhân viên y tế thử nghiệm. Mục đích là kiểm tra tiềm năng của BCG trong bảo vệ con người trước COVID-19 và các biến chứng liên quan. Bà Faustman cho biết các nhân viên y tế ở Boston cứ 5 phút lại gọi cho bà để hỏi cách thức tham gia thử nghiệm.
Tại Australia, Viện Nghiên cứu Nhi Murdoch (MCRI) đã bắt đầu tiêm vắc-xin BCG cho nhân viên y tế ở Melbourne để thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trong phòng chống COVID-19. Trên 300 trong tổng số 4.000 nhân viên y tế Australia tham gia thử nghiệm đã được tiêm BCG.
Các nhà nghiên cứu hy vọng thử nghiệm sẽ cho thấy hệ miễn dịch của nhân viên y tế tuyến đầu chống COVID-19 sẽ được tăng cường sau khi tiêm vắc-xin BCG, giúp thế giới có thêm thời gian quan trọng để phát triển một loại vắc-xin dành riêng cho COVID-19.
Ống xét nghiệm dùng để phát triển vắc-xin BCG. Ảnh: AFP |
Thử nghiệm kiểu này thường mất từ 8 đến 12 tháng mới bắt đầu được nhưng nhờ sự hỗ trợ sớm của các tổ chức thiện nguyện, các nhà nghiên cứu Australia có thể tiến hành trong ba tuần. Từ khi bắt đầu thử nghiệm, nhiều bệnh viện khắp Australia và cả quốc tế đã đề nghị tham gia.
Trước đó, một nhóm ở Hà Lan trong tháng Ba đã khởi động thử nghiệm BCG. Họ đã có 1.000 nhân viên y tế ở 8 bệnh viện Hà Lan tình nguyện tham gia. Thử nghiệm ở Hà Lan dự kiến kết thúc vào tháng 12/2020. Ông Marc Bonten thuộc Trung tâm Utrecht, Đại học Y khoa ở Hà Lan nói: “Có rất nhiều người hào hứng tham gia”.
Tờ Newsweek dẫn lời ông Madhukar Pai, Giám đốc Trung tâm Lao Quốc tế tại Đại học McGill: “Là một nhà nghiên cứu bệnh lao, tôi sẽ rất mừng nếu BCG có tác dụng chống lại COVID-19”. Ông nói thêm rằng giả thiết về tác dụng của BCG trong phòng ngừa COVID-19 là đáng theo đuổi: “Tin tốt lành là nhiều cuộc thử nghiệm đang diễn ra để giải quyết vấn đề theo cách này hay cách khác”.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin BCG có thể bảo vệ con người khỏi SARS-CoV-2 và không khuyến nghị tiêm BCG để phòng ngừa virus. Dù vậy, WHO cho biết sẽ đánh giá lại bằng chứng từ các thử nghiệm khi có kết quả.