Khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động
Thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật cho thấy, cả nước có gần 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số, trong đó 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn, gặp khó khăn về nhiều mặt. Thế nhưng, cả nước mới có khoảng 30% trong tổng số gần 2 triệu người khuyết tật ở độ tuổi lao động, còn khả năng lao động là có việc làm, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ chủ yếu làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Như vậy, nước ta còn hơn 1 triệu người khuyết tật có khả năng lao động chưa tham gia lao động.
Nhằm giúp người khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, ngoài các chính sách bảo trợ xã hội, trong những năm vừa qua, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, học nghề, tìm việc làm. Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, riêng trong năm 2017, cả nước có khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các hội, đoàn thể cũng tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người khuyết tật. Đáng ghi nhận hơn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hàng nghìn dự án của người khuyết tật và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật.
Tham quan gian hàng thủ công của người khuyết tật. |
Các giải pháp hỗ trợ đã giúp hàng trăm nghìn người khuyết tật có việc làm, thu nhập. Thậm chí, nhiều người khuyết tật là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Có thể kể đến như ông Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội), đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần Kym Việt - chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công. Với phương châm hoạt động: "Người khuyết tật làm ra những sản phẩm có chất lượng hoàn hảo", Công ty cổ phần Kym Việt nhanh chóng khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước, quốc tế. Sau 5 năm hoạt động, Công ty đã tạo việc làm, góp phần mang đến cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho hàng chục người khuyết tật.
Tương tự, bà Đinh Thị Quỳnh Nga và một số người bạn đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), giải quyết việc làm cho gần 30 lao động là người khuyết tật…
Hỗ trợ để người khuyết tật vươn lên
Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật đã được khẳng định. Tuy vậy, lao động khuyết tật vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận với cơ hội việc làm. Nguyên nhân là vì nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. “Mặc dù có nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật còn hạn chế, nhiều địa phương chưa phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề”, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết thêm, từ năm 2014 đến nay, Nhà nước không bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành cho vay, chỉ thực hiện bằng nguồn vốn quay vòng. Hơn nữa, nguồn vốn dành riêng cho người khuyết tật vay để phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có, cho nên người khuyết tật rất khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Về phía người khuyết tật, nhiều người sống khép kín, thụ động nên không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này. Một số gia đình thương con, em mình bị khiếm khuyết, lại phải vất vả mưu sinh nên không chủ động tìm việc làm…
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Công tác tổ chức dạy nghề cần tiến hành linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cần được bổ sung. Nếu có thể, Nhà nước nên bố trí nguồn vốn hỗ trợ việc làm dành riêng cho người khuyết tật.
Tương tự, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, người khuyết tật cần được định hướng nghề nghiệp, tiếp cận với thị trường lao động thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Đồng tình với những quan điểm nêu trên, ông Lê Việt Cường kiến nghị Ủy ban quốc gia về người khuyết tật phát động phong trào khuyến khích khởi nghiệp; thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp hoặc trung tâm phát triển doanh nghiệp, tạo “giá đỡ”, làm “bệ phóng” cho người khuyết tật vươn lên. “Người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải làm vì từ thiện, mà phải dựa trên quyền được làm việc của họ”, ông Lê Việt Cường bày tỏ.
Ông Lê Đức Hiển, Giám đốc Công ty của Người khuyết tật (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật đã được Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, triển khai vào thực tiễn còn rất ít, nhất là vấn đề vay vốn, thuế, tiêu thụ sản phẩm… Do đó, để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, Nhà nước và địa phương cần có sự quan tâm giải quyết những vướng mắc về thủ tục từ vay vốn tạo việc làm, xúc tiến quảng bá sản phẩm… phù hợp với thực tiễn để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận, vươn lên hòa nhập cộng đồng”.
Có việc làm, thu nhập, được khẳng định năng lực bản thân, làm chủ cuộc sống là nguyện vọng, mong muốn của đa số người khuyết tật và gia đình họ. Hy vọng, các cơ quan chức năng quan tâm hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho lao động là người khuyết tật có cơ hội vươn lên.
Theo Báo Tin tức