Thế giới màu đen và nỗi sợ mang tên… đồ bỏ đi!

(Ngày Nay) - Thuở còn là cô bé 7-8 tuổi, mỗi khi nghe hàng xóm, người thân nhìn mình buông thõng một câu: “Mắt như vậy thì làm được gì?!”, Đỗ Thúy Hà thấy như có gì bóp nghẹt lồng ngực. Đến khi trưởng thành, rồi về nhà chồng, câu nói vô tình ấy vẫn thỉnh thoảng khiến Hà nhói đau. Hà sợ nhất bị người khác coi là đồ bỏ đi.
Chị Đỗ Thúy Hà
Chị Đỗ Thúy Hà

“Ông ơi sao con không được đi học?”

Gần 40 tuổi, Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội vẫn không thể quên quãng tuổi thơ đặc biệt của mình. Một đứa trẻ sinh ra với căn bệnh thoái hoá võng mạc bẩm sinh khó chữa trị, lăng kính nhìn đời của chị ngay từ bé đã giống kiểu sương mờ che mắt. Người ta đeo kính đi trong mưa bão còn có thể dừng xe lau kính, còn chị lau đằng trời không hết bụi. Chị nhìn đời lòe nhòe, mơ hồ như người ta quờ quạng đi trong sương mù đêm đông.

Thấy con vẫn nhìn được mọi vật, khi Đỗ Thúy Hà lên 6, mẹ đưa Hà đi học tại trường tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa, HN) như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng dù Hà đã cố gắng dí sát mắt vào vở thì những dòng chữ nguệch ngoạc trên giấy cũng chẳng liền nét. Cô giáo thương Hà, cho Hà lên ngồi bàn đầu, giờ ra chơi gọi Hà lên bảng, ghé sát mắt vào bảng để cầm phấn viết cũng chẳng xong. Gắng mãi không được, nản quá, cô giáo quyết định “đem trả” cô học trò nhỏ về gia đình.

Ngày cô thông báo với gia đình rằng Hà không thể tiếp tục học được nữa, bố mẹ chị mang tâm trạng tuyệt vọng khi nhìn đứa con gái đến tuổi đi học bị nhà trường từ chối. Hà được ở nhà với ông nội trong khi bố mẹ bận đi làm. Khoảng thời gian 2-3 năm ấy, Hà nhớ lắm. Suốt ngày Hà loanh quanh ở nhà cùng ông nội. Câu chuyện của hai ông cháu lúc nào cũng quay về nội dung cũ:

-“Ông ơi sao con không được đi học?

- Vì mắt con không nhìn rõ như các bạn.

- Ông ơi sao mắt các bạn nhìn thấy mà mắt con không thấy?”.

“Những lúc nghe cháu gái hỏi ngây thơ, ông nội thường quay đi, không trả lời. Nhưng để cháu không buồn vì loanh quanh trong 4 bức tường, ông thường lấy chiếc bảng con, kẻ sơn trắng đậm nét cho cháu nhìn rõ, sau đó dạy cháu viết chữ, viết số… Hồi ấy trẻ con làm gì có đồ chơi, ông nội cứ tha thẩn bên cháu gái dạy mặt chữ, con số, dạy cháu gái ghép vần cho qua ngày” – chị Đỗ Thúy Hà nhớ lại.

Cứ thế, ông nội trở thành là thầy giáo tận tụy, những nét chữ nguệch ngoạc bằng phấn cũng giúp Đỗ Thúy Hà thuộc mặt chữ, con số. “Lúc ấy, trẻ con chưa mường tượng được hỏng mắt sẽ thiệt thòi như thế nào, tôi thấy đơn giản lắm, vì ngày xưa các bạn không ở bán trú, cứ học xong buổi sáng là buổi chiều về chơi cùng mình. Tôi vẫn thỏa thuê chơi đùa cùng các bạn, chỉ là không nhanh bằng thôi. Những trò chơi bi, chơi chun, nhảy dây… tôi không theo được các bạn, chỉ đứng xem thôi, mà cũng chẳng nhìn được mấy, lúc nào cũng lờ mờ, thấp thoáng” – Hà kể.

Ngày Hà chạm ngưỡng 9 tuổi, mắt mất thị lực hoàn toàn, xung quanh chỉ độc màu đen, bố mẹ quyết định đưa Hà vào trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu học tập bài bản. Hà vẫn nghĩ đơn giản lắm: “thấy mình sướng hơn nhiều bạn, mình đã từng nhìn thấy vạn vật, mình biết màu xanh màu đỏ, mình còn nhìn thấy bạn bè xung quanh, chứ nhiều bạn chưa biết thế giới bên ngoài như thế nào”…

Nhưng những câu nói tưởng như vô hại của người lớn lại khiến Hà đau nhất. Hà kể, nhiều người nhìn mình rồi thương cảm nói “Mắt thế này thì làm được cái gì?”. Rất nhiều người nói, họ nghĩ rằng mình trẻ con không suy nghĩ gì, nhưng mình buồn lắm, rất buồn” – Hà chia sẻ. Câu nói vô tình ấy cho đến tận khi trưởng thành vẫn là nỗi ám ảnh với Hà cũng như với nhiều người khiếm thị khác. Hà luôn khao khát được làm thật nhiều để chứng minh mình không phải đồ bỏ đi.

Người ta cố 1, mình phải cố 10

Bước vào môi trường học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Đỗ Thúy Hà không ngừng nỗ lực học tập và liên tục 12 năm liền là học sinh xuất sắc. Hà luôn chủ động trong việc học, đi học bằng gậy dẫn đường, lên xe buýt cũng nhờ gậy… Dù có nhiều khó khăn khi tham gia phương tiện công cộng, Hà vẫn luôn kiên trì đến lớp, cố gắng không nghỉ học buổi nào.

Thế giới màu đen và nỗi sợ mang tên… đồ bỏ đi! ảnh 1Chị Hà nhắn tin điện thoại theo cách riêng của người khiếm thị 

“Được đi học đã là may mắn rồi, tôi luôn tự nhủ điều đó. Không có con đường nào khác là phải cố gắng học. Người bình thường không học đã chẳng làm được gì, huống hồ mình là người khuyết tật. Người sáng mắt họ cố gắng 1 thì mình phải cố gắng 10” – chị Hà chia sẻ suy nghĩ.

Đỗ Thúy Hà đi học với muôn vàn khó khăn, thiệt thòi. Sách chữ nổi do thư viện trường phát cho học sinh, chẳng bao giờ đủ một bộ sách hoàn chỉnh. Chi phí mua sách chữ nổi quá đắt nên gia đình Hà không thể tự mua cho con gái đi học. Hồi ấy, Hà bảo, cứ 2-3 bạn học nhóm, chung nhau một bộ sách. Sách giáo khoa còn chưa đủ, làm sao mơ đến sách tham khảo, truyện tranh, truyện giải trí như hiện nay? Nhưng thiếu sách cũng chẳng khiến Đỗ Thúy Hà chùn bước. Ngoài sách giáo khoa, chị thường xuyên nghe đài để tiếp cận thông tin, trau dồi vốn sống. “Nghe thuộc lòng đến nỗi chỉ cần mở đài, nghe chương trình nào là tôi biết đang mấy giờ: - chị Hà cười nói.

Ngay từ khi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Đỗ Thúy Hà đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn tiếng Anh. Gặp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm trường, chị khao khát học giỏi tiếng Anh để có thể hiểu, giao lưu và kết bạn với họ. Nhờ sự kiên trì và nghị lực phi thường, năm 2000, khi tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc, chị Hà giành giải Ba và là thí sinh khiếm thị duy nhất đạt giải.

Thế giới màu đen và nỗi sợ mang tên… đồ bỏ đi! ảnh 2Chị Hà dùng máy tính thành thạo như người bình thường

Sau này, khi đỗ vào chuyên ngành tiếng Anh của trường Đại học Mở, một lần lên mạng tra cứu tài liệu, chị biết thông tin về khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản. Đỗ Thúy Hà đã tự tin nộp hồ sơ đăng ký. Trải qua các đợt tuyển chọn gắt gao với 350 đối thủ, Hà đã là người Việt Nam duy nhất theo học khóa học này. Sau một năm rưỡi nỗ lực hoàn thành khoá học ở Nhật, Đỗ Thúy Hà tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về trong niềm tự hào của gia đình. Sau khi về nước, chị tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học năm 2009.

Năm 2012, Đỗ Thúy Hà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội. Với cương vị này, chị luôn cố gắng tạo việc làm, dạy chữ, dạy nghề, tổ chức giao lưu, sinh hoạt định kỳ… cho gần 200 thành viên của Hội. Đến bây giờ, chị vẫn tiếp tục đi học, chăm chỉ bắt xe buýt vượt quãng đường xa hơn chục cây số từ nhà đến ĐH Thương mại để lấy bằng thạc sĩ.

Cái kết có hậu cho người không bao giờ từ bỏ

Đỗ Thúy Hà là một minh chứng rằng người khiếm thị không những không làm được gì mà làm được rất nhiều việc. Bằng những việc mình làm, những cố gắng không mệt mỏi, Hà nói rằng, chị muốn xóa bỏ thành kiến vốn mặc định trong suy nghĩ của nhiều người, rằng không nhìn được thì không làm được gì.

Thế giới màu đen và nỗi sợ mang tên… đồ bỏ đi! ảnh 3Chị Hà hạnh phúc bên gia đình nhỏ

Dù khá bận vì chương trình học thạc sĩ tại ĐH Thương mại, lại vừa sinh con trai thứ hai cách đây 10 tháng, nhưng lúc nào tôi cũng thấy Đỗ Thúy Hà tươi tắn, nhanh nhẹn, chẳng nề hà việc gì. Chị vẫn một tay chăm sóc chồng con, vun vén tổ ấm một cách vẹn tròn như bất cứ người phụ nữ nào khác. Câu chuyện tình yêu giữa chị và chồng như một cổ tích giữa đời thường bởi sánh bước bên chị là một người đàn ông ân cần, tình cảm. Chồng chị làm trong ngành viễn thông ở Hà Nội, không phải là người khuyết tật, không khiếm thị.

Nhắc về anh, giọng chị lúc nào cũng ngọt ngào, hạnh phúc: “Tôi quen anh ấy qua bạn bè, lần đầu nghe giọng anh, tôi đã cảm nhận anh là một người ân cần, chu đáo…”.

Rồi cứ thế, tình cảm đưa đẩy, hai người yêu nhau. “Lúc đến với nhau, anh đã phải vượt qua rất nhiều rào cản trong gia đình, họ hàng, bạn bè… Nhưng anh chị đến với nhau đơn giản chỉ vì tình yêu, muốn bên nhau sau những giờ làm việc căng thẳng…” – chị Hà kể. Chị yêu anh, chị nhìn đời qua đôi mắt đôn hậu của anh.

Hơn 1 năm vượt qua dư luận, anh chị đến với nhau, ở bên nhau đã gần chục năm nay. Họ có với nhau 2 mặt con trai, một đứa lên 7, một đứa mới được 10 tháng tuổi. Hai đứa trẻ khỏe mạnh, mắt sáng, tổ ấm của hai anh chị lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ. Hạnh phúc ấy nhiều người tưởng tượng cũng không thể hình dung được. Chính Hà cũng ngỡ ngàng: “Ai cũng hỏi tôi khiếm thị thì chăm con kiểu gì. Lần đầu mang bầu, tôi cũng lo lắm, nhưng khi đẻ con ra, bản năng người mẹ dạy hết, khó mấy cũng phải nghĩ ra cách làm. Từ thay bỉm, tắm cho con đến xay rau củ quả, nấu bột cho con…” – chị cười. Nhà chồng trước kia còn lo ngại, sợ con trai mình phải phục vụ con dâu, giờ tất cả thay đổi hoàn toàn, vì ai cũng phục Hà chăm chồng, chăm con quá giỏi.

Rồi Hà kể tiếp: “Nhiều lúc thương chồng, tôi nói anh thiệt thòi hơn người khác vì vợ không nhìn thấy gì, nhưng anh nói luôn, từ ngày xác định lấy nhau, anh không quan tâm đến điều đó. Anh tự hào về vợ vì tuy vợ không nhìn được như bao người khác nhưng luôn cố gắng hết mình, luôn chăm sóc gia đình, chăm chồng chăm con tận tụy”. Lời nói chân thật ấy của anh là động lực giúp Đỗ Thúy Hà vượt qua tất cả. Hạnh phúc của một người phụ nữ, suy cho cùng cũng chỉ cần tình cảm ấm áp ấy sưởi ấm.

Không chỉ làm tốt vị trí của mình ở Hội người mù quận Đống Đa, hàng năm, Đỗ Thúy Hà luôn kết hợp với các tổ chức từ thiện quốc tế đi tặng sách và quà cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Nhờ thành thạo 2 ngoại ngữ Anh và Nhật, chị chủ động liên kết với tổ chức từ thiện ACCV của Australia mở lớp tiếng Anh cho 15 Hội viên, kết hợp với tổ chức Minzoku Forum của Nhật Bản tổ chức khóa học xoa bóp bấm huyệt cho các hội viên; phối hợp với các tổ chức xã hội mở phòng xoa bóp bấm huyệt tại Hội người mù quận.

Tháng 3/2013, vinh dự được Hội LH Phụ nữ Việt Nam tôn vinh “Tấm gương Phụ nữ Việt Nam tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”, đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” do Hội LHPN Hà Nội trao tặng. Năm 2016, chị được UBND TP Hà Nội tuyên dương là công dân Thủ đô ưu tú.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?