Huyện Vân Đồn là một quần đảo với 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 20 đảo có người ở. Cái Bầu là đảo lớn gồm 6 xã, 1 thị trấn. Trước năm 2016, thị trường bất động sản có biến động, nhưng mức độ tăng không nhiều. Năm 2017, khi Vân Đồn rục rịch được Nhà nước thông qua đạo luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt thì giao dịch mua bán đất đai, nhà cửa tăng lên đột biến.
Cụ thể năm 2017, Vân Đồn có 2004 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, trong đó đất dự án đầu tư bất động sản 190 trường hợp, đất dân cư hiện hữu 1814 trường hợp. Năm 2018, thị trường đất Vân Đồn sôi động hơn. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm có 562 thương vụ mua bán bất động sản, trong đó 192 trường hợp mua bán đất dự án kinh doanh hạ tầng, 370 trường hợp mua bán đất dân cư. Giá đất cao thấp khác nhau ở từng khu vực khác nhau, giao dịch phần nhiều tập trung ở thị trấn Cái Rồng và các xã: Đông xá, Hạ Long, Đoàn Kết. Năm 2018, giá đất đai nhà cửa tăng hơn so với năm 2017 lên từ 2 đến 3 lần.
Huyện Vân Đồn bùng phát 22 văn phòng giao dịch mua bán bất động sản, 100% không đủ thủ tục hành nghề kinh doanh. |
Đảo Cái Bầu chiều dài 29km, chiều ngang bình quân 4,5km, diện tích đất xây dựng không nhiều. Năm 2015, địa phương không bóng dáng sàn giao dịch bất động sản nào. Năm 2017, có 13 văn phòng môi giới giao dịch buôn bán bất động sản, năm 2018, tăng lên 22 văn phòng, 100% không có đủ thủ tục hành nghề theo quy định của Bộ Xây dựng.
Điền thổ Vân Đồn triển vọng nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế và cơ chế quản lý mới… Nhà đất lên ngôi là lẽ đương nhiên, song có phần do hoạt động môi giới, quảng bá kích cầu làm cho thị trường nhà đất càng trở nên nóng bỏng. Đảo Cái Bầu có 4 dự án kinh doanh hạ tầng, còn chủ yếu là đất dân cư. Diện tích đất xây dựng ít, nhưng nhu cầu người mua để ở cũng không nhiều, 1814 trường hợp mua bán trong 4 tháng đầu năm chủ yếu nằm trong tay người đầu cơ, buôn bán bất động sản. Có người mua gom đến 10 tấm “bìa đỏ”. Có người mua 2 - 3ha đất vườn nhà, điền địa bán trao tay thì không kiểm soát được.
Nhiều hộ dân vụng trộm san đất bán nền. |
Nhập mô tả ảnhNhiều thôn xóm ruộng vườn, ao chuôn còn sơ khai đã trở thành món hàng bất động sản mua bán trao tay. Chính quyền phải gồng mình ngăn chặn trấn chỉnh. |
Thị trường buôn bán bất động sản tự phát bùng lên, kéo theo giá nhà đất leo thang. Đất đai lên ngôi, một số hộ dân hưởng lợi, nhưng không ít trường hợp khuynh đảo gia phong. Anh em chém giết nhau vì hương hỏa. Cơn lốc thị trường nhà đất cũng gây buồn phiền cho bao người. Bà NTD ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long nghe cò đất bảo muốn đổi đời thì xuống Vân Đồn mua đất một vốn bốn lời. Bà NTD bèn cắm bìa đỏ vay nặng lãi mua thửa đất vườn rừng ở xã Đoàn Kết. Khi mua qua tay môi giới giá thượng phong, nay rớt giá vì đương nhiên không phải đất xây dựng (đất ở), không chuyển nhượng để làm nhà ở được. Mà đồng vay, món nợ thì không chệch một ngày. “cá có con - nợ có đầu”, vay phải trả, lãi mẹ đẻ lãi con… nguy cơ bị xiết nợ, mất nhà mất cửa.
Trước tình hình thị trường bất động sản diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự xã hội, chính quyền huyện Vân Đồn có nhiều biện pháp quản lý thị trường bất động sản, gồm: Tăng cường quản lý đất đai, siết chặt công tác quản lý công chứng, sàn giao dịch bất động sản, văn phòng môi giới nhà đất. Trong đó có biện pháp tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là các dự án thuộc thẩm quyền, hai địa phương bạn là Phú Quốc và Bắc Vân Phong cũng có cách làm tương tự như vậy.
UBND huyện Vân Đồn có nhiều giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất. |
Huyện Vân Đồn tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản đã bước đầu hạ nhiệt được cơn sốt đất, đại bộ phận nhân dân địa phương đồng tình hướng ứng.
Theo Báo Xây Dựng