Bộ Cựu chiến binh Mỹ khẳng định việc chấm dứt tình trạng tự tử của cựu quân nhân là ưu tiên lâm sàng hàng đầu của họ.
Thậm chí, vấn nạn này đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi trong Thông điệp Liên bang năm 2023, Tổng thống Biden đã gọi việc tự tử của các cựu chiến binh là một “cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia”.
Bộ trưởng Cựu chiến binh Mỹ Denis McDonough cho biết việc mở rộng dịch vụ trợ giúp có thể cứu sống thêm hàng nghìn người.
“Không có gì quan trọng hơn là ngăn chặn việc các cựu binh tự sát. Chúng tôi muốn tất cả các cựu binh biết rằng họ có thể nhận được sự chăm sóc cần thiết, khi họ cần, bất kể họ ở đâu", ông McDonough tuyên bố.
Sáng kiến trợ giúp được thiết kế để giúp những người gặp “khủng hoảng tự tử cấp tính” tiếp cận các dịch vụ cấp cứu tại các cơ sở chuyên môn, đồng thời tiết kiệm cho các cựu quân nhân ít nhất 64 triệu USD chi phí chăm sóc sức khỏe.
Dịch vụ này bao gồm 30 ngày chăm sóc nội trú hoặc trong trường hợp khủng hoảng, 90 ngày chăm sóc ngoại trú và các chi phí vận chuyển liên quan.
Chỉ tính riêng năm 2021, đã có tổng cộng 6.392 cựu quân nhân Mỹ tự tử, tương đương với hơn 17 người mỗi ngày. Theo Nhà Trắng, hơn 71.000 cựu binh đã tự kết liễu mạng sống kể từ năm 2010.
Xu hướng tự tử tại Mỹ này đã tăng mạnh trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, với tổng số 40.020 ca tử vong vào năm 2021, tăng 2.000 ca so với năm 2020.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, khoảng 18 triệu cựu chiến binh của nước này có nguy cơ tự tử cao hơn dân số nói chung, khi nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần tiếp tục gia tăng.
Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ báo cáo trong năm 2021 rằng các cựu chiến binh có nguy cơ tử vong do tự tử cao gấp 1,5 lần.
Theo Bộ Cựu Chiến binh Mỹ, tình trạng vô gia cư của các cựu binh cũng tăng 7,4% vào năm 2023, với hơn 35.000 cựu chiến binh được Bộ Phát triển Nhà và Đô thị ghi nhận vào năm ngoái.
Giáo sư M. David Rudd từ Đại học Memphis, người nghiên cứu về nguy cơ tự tử, cho biết các nhà chức trách cần làm rõ có bao nhiêu người thực sự đã tiếp cận gói chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho quân nhân.
“Các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn có tác động gây hậu quả tâm lý đáng kể nhất", giáo sư Rudd chỉ ra.
Tuy nhiên, một số chuyên gia coi việc tiếp cận được 50.000 cựu quân nhân là thành công, ngay cả khi vẫn còn chỗ cần cải thiện.
Carrie Farmer, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Cựu chiến binh Gia đình Epstein của Tập đoàn Rand, cho biết: “Việc 50.000 cựu chiến binh có nguy cơ tự tử cao được tiếp cận các dịch vụ khẩn cấp là một thành tựu lớn”.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đối với các quân nhân đang tại ngũ, tỷ lệ tự tử tăng 3% vào năm 2022 so với năm 2021.
“Bộ Cựu chiến binh đang làm mọi thứ có thể, bao gồm mở rộng sàng lọc sức khỏe tâm thần, một chương trình đã được chứng minh là tuyển dụng các cựu binh để giúp những người khác khác hiểu những gì họ đang trải qua", Tổng thống Joe Biden cho biết.