Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từng là biểu tượng sang trọng và đẳng cấp vào đầu thế kỷ 20, đèn Tiffany với những chao đèn rực rỡ, lấy cảm hứng từ thiên nhiên đã bị lãng quên sau khi Louis Comfort Tiffany qua đời vào năm 1933. Nhưng sau đó, những cây đèn kính màu Tiffany đã có sự hồi sinh mạnh mẽ trên thị trường nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, công chúng và các nhà sưu tầm trên toàn thế giới.
Chi tiết chiếc đèn bàn Chuồn chuồn (khoảng năm 1906). Ảnh: Apollo Magazine
Chi tiết chiếc đèn bàn Chuồn chuồn (khoảng năm 1906). Ảnh: Apollo Magazine

Nghệ sĩ kính màu Louis Comfort Tiffany

Ông Louis Comfort Tiffany đã dành cả đời để theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Sau khi được đào tạo bài bản về hội họa và thiết kế, ông thành lập công ty thiết kế nội thất vào cuối thế kỷ 19 và gặt hái được nhiều thành công, tiêu biểu là dự án cải tạo Nhà Trắng năm 1882.

Tuy nhiên, niềm đam mê thực sự của Tiffany lại nằm ở lĩnh vực kính nghệ thuật. Năm 1878, ông thành lập xưởng sản xuất kính đầu tiên tại New York (Hoa Kỳ). Với tinh thần sáng tạo và ham thử nghiệm, ông tiên phong phát triển nhiều loại kính đặc biệt như kính trắng đục, kính truyền phát, kính đứt gãy, kính sọc, kính lốm đốm vòng, kính gợn sóng, và kính xếp nếp.

Vào tháng 12/1885, ông thành lập Công ty trang trí và thủy tinh Tiffany, nơi sản xuất nhiều loại đèn thủy tinh pha chì, bình thổi, cửa sổ khảm và kính màu. Các sản phẩm của công ty, sau được đổi tên thành Tiffany Studios năm 1902, đã thu hút sự yêu thích của công chúng cho đến khi ông qua đời năm 1933. Cho đến nay, những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo của Tiffany vẫn được nhiều người săn lùng, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Tiffany Studios đã gặt hái nhiều thành công vang dội, giành được huy chương vàng tại các Hội chợ Thế giới ở Paris, St Petersburg và Turin trong khoảng thời gian 1900-1902.

Tuy nhiên, sau thời kỳ hoàng kim, sự nổi tiếng của Tiffany Studios ở Châu Âu dần phai nhạt khi phong cách nghệ thuật Nouveau (Tân nghệ thuật) bị thay thế bởi Art Deco (nghệ thuật trang trí) và chủ nghĩa hiện đại. Mãi đến gần 15 năm trở lại đây, người ta mới thấy sự hồi sinh của phong cách Tiffany ở cả Châu Âu và Châu Á.

Những chiếc đèn kính màu đắt giá

Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany ảnh 1

Đèn Pond Lily. Ảnh: Apollo Magazine

Chiếc đèn Pond Lily lộng lẫy, tinh tế là minh chứng cho sức hút của Tiffany Studios. Tháng 12/1989, nó đã lập kỷ lục đấu giá thế giới cho một tác phẩm của Tiffany Studios với giá 550.000 USD tại nhà đấu giá Christie's New York. Kỷ lục này tiếp tục được phá vỡ vào tháng 12/2018 khi chiếc đèn được bán với giá khoảng 3,4 triệu USD.

Lô đấu giá cao thứ hai là chiếc đèn Pebble quý hiếm được chế tác vào khoảng năm 1901-1904, sử dụng kỹ thuật thủy tinh từ năm 1888. Nửa phần chao đèn được tạo thành từ những viên sỏi thạch anh cắt lát, mô phỏng viên sỏi được tìm thấy trên bãi biển của khu bất động sản tên Laurelton Hall của Louis Comfort Tiffany ở đảo Long Island. Chiếc đèn được ước tính có giá từ 100.000 đến 150.000 USD, nhưng được bán với giá cao hơn nhiều, lên đến 537.500 USD.

Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany ảnh 2

Đèn bàn Pebble. Ảnh: Apollo Magazine

Những mẫu đèn Tiffany nổi bật

Mặc dù Tiffany ban đầu nổi tiếng với cửa sổ kính màu, nhưng chính những chiếc đèn có chao đèn rực rỡ, lấy cảm hứng từ thiên nhiên lại trở thành biểu tượng trường tồn của thương hiệu. Bắt đầu sản xuất vào năm 1893, những chiếc đèn Tiffany với chân đế bằng đồng tinh xảo đã thu hút sự chú ý của giới mộ điệu bởi vẻ đẹp độc đáo và sang trọng.

Giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1909 được xem là thời kỳ hoàng kim của Tiffany, đánh dấu sự ra đời của nhiều mẫu đèn nổi tiếng nhất.

Đèn Wisteria mang gam màu xanh đậm huyền bí, lấy cảm hứng từ hoa tử đằng, thể hiện sự tinh tế và cầu kỳ trong thiết kế. Chiếc Chuồn chuồn nổi bật với sắc tím, cam và xanh mòng két, tái hiện vẻ đẹp sinh động của loài chuồn chuồn, mang đến sự tươi sáng và năng động cho không gian. Đèn Pond Lily lấy cảm hứng từ hoa súng, chiếc đèn mang vẻ đẹp thanh tao, nhẹ nhàng với những cánh hoa trắng muốt và lá xanh mướt.

Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany ảnh 3

Đèn Wisteria. Ảnh: Phòng trưng bày Macklowe/Tony Virard

Yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của đèn Tiffany

Sự khác biệt trong việc lựa chọn kính có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của đèn Tiffany. Ví dụ, sử dụng kính màu hiếm hoặc có độ bóng cao có thể làm tăng giá trị đèn lên gấp ba lần.

Một yếu tố quan trọng khác là mối quan hệ giữa đế và chao đèn. Đối với nhiều mẫu, Tiffany Studios bán chao đèn và đế riêng biệt. Tuy nhiên, một số mẫu cao cấp hơn có đế điêu khắc được thiết kế riêng để tạo nên một tổng thể hài hòa.

Ví dụ, chiếc đèn Wisteria có giá đắt đỏ một phần là do nó cần hơn 2.000 viên kính để chế tác. Chiếc đèn này đã được bán với giá 525.000 USD trong cuộc đấu giá Montgomery tại nhà đấu giá Christie's vào tháng 12/2020. Đi kèm với nó là chân đế ban đầu được thiết kế mô phỏng thân cây.

Tháng 12/1997, Christie's cũng bán một chiếc đèn Hoa Sen lộng lẫy cùng đế khảm độc đáo với giá kỷ lục lúc bấy giờ là 2,8 triệu USD.

Sự hồi sinh mạnh mẽ của đèn

Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany ảnh 4

Bình hoa. Ảnh: Apollo Magazine

Sau khi Louis Comfort Tiffany qua đời vào năm 1933, sự yêu thích của công chúng đối với các tác phẩm nghệ thuật bằng kính của ông dần phai nhạt. Tuy nhiên, vào năm 1958, Bảo tàng Thủ công Đương đại (nay là Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế) ở New York đã tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm của Tiffany, bao gồm đèn, đồ thủy tinh thổi và tranh vẽ. Triển lãm này đã khơi dậy sự quan tâm mới đối với nghệ thuật của Tiffany.

Ngày nay, có rất nhiều người đam mê đèn Tiffany trên khắp nước Mỹ. Một số nhà sưu tập sở hữu đến 30-50 chiếc đèn. Các mẫu đèn có hoa văn hoa thường được ưa chuộng hơn các mẫu có hoa văn hình học, và những chiếc đèn có màu sắc phong phú, rực rỡ cũng được đánh giá cao.

Tình trạng của đèn cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng những sửa chữa nhỏ có thể được chấp nhận.

Thị trường đèn Tiffany ngày nay

Hiện nay, có nhiều nhà sưu tập quan tâm đến tất cả sản phẩm của Tiffany Studios, bao gồm cả cửa sổ kính màu và đồ thủy tinh thổi.

Vẻ đẹp nghệ thuật vượt thời gian của đèn kính màu Tiffany ảnh 5

Cửa sổ con công. Ảnh: Apollo Magazine

Tuy nhiên, ở Châu Âu, thị trường thủy tinh thổi Tiffany lại khá khiêm tốn. Do thị ngày càng khan hiếm và giá trị của chúng lại tăng cao, việc xuất hiện hàng giả đã trở thành vấn đề nhức nhối từ những năm 1970. Kẻ gian thường dựa vào sự thiếu hiểu biết của người mua để trục lợi bằng cách bán những chiếc đèn giả với giá cao ngất ngưởng.

Chỉ dựa vào chữ ký "Tiffany Studios" không phải là cách để đánh giá tính xác thực của sản phẩm, vì nó có thể bị sao chép dễ dàng. Khách hàng cần tự học hỏi và trau dồi kiến thức để có thể nhận biết được hàng thật.

Theo Apollo Magazine
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.