Nguyễn Thị Yến Nhi, quê ở Long An, 11 tuổi nhưng đã 5 năm thâm niên nghề bán vé số dạo. Hôm đó, Nhi ngồi bên lề đường, khi cơn mưa sắp tới, khản cổ cố mời chào mua vé số. Nước mắt cô bé giàn giụa khi trên tay còn tới 80 tờ vé số phải “ôm”.
Nhi là một nhân vật “người bán vé số dạo” trên báo Tuổi trẻ online (TTO). Đó là thời điểm hết quý I/2023, khi các công ty xổ số khu vực miền Nam đạt doanh khu khổng lồ 35.000 tỉ đồng, lợi nhuận cũng khổng lồ không kém: 4.500 tỉ đồng.
Trong những con số được công bố thời điểm đó, thậm chí có cả những con số tuyệt đối (100%): 14/21 công ty bán được 100% vé phát hành.
Tại hội nghị Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam hôm 24/7 vừa rồi, con số 100% ấy lại xuất hiện trong bảng thành tích của nhiều công ty, trong tỉ lệ tiêu thụ bình quân chung đạt tới 98,64%.
Một tỉ lệ bán hàng, gần như sạch bách... đã tạo ra mức doanh thu 68.843 tỉ đồng, trong 6 tháng, và tỉ lệ tăng trưởng 16,41%.
Trở lại với Yến Nhi hôm ấy. Sở dĩ cô bé khóc, vì nếu không bán hết, cô sẽ phải “ôm”, bất đắc dĩ trở thành một người mua vé số, thay vì được trả lại cho các đại lý.
Không có bất cứ một quy định nào buộc người bán vé số dạo và đại lý không được trả vé số ế, nhưng trên thực tế một thứ mà TTO hồi đó gọi là "quy định ngầm", rằng: Nếu đại lý nào trả vé sẽ bị công ty cắt vé chuyển cho đại lý khác.
“Quy định ngầm” này khiến đại lý cấp 1 “dội” xuống đại lý cấp 2, đại lý cấp 2 “dội” tiếp xuống dưới...Để cuối cùng, chính những người bán vé số dạo buộc phải “ôm” những chiếc vé ế, chính họ làm nên những tỉ lệ 98-100%.
Hôm đó, Yến Nhi ế 5 tờ vé số. Tức là nếu hoa hồng thật sự đạt mức 11% thì nó phải trừ đi giá trị của 5 tờ vé số, trừ đi cả ngày lê la khắp hàng cùng ngõ hẻm, trừ đi mồ hôi nước mắt, và trừ đi cả nỗi buồn đau, tuyệt vọng nữa.
Còn nhớ năm 2014, trên diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về chủ đề xoá đói giảm nghèo, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhìn nhận: “Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình bán vé số rất phổ biến, có thu nhập cao, đủ trang trải cho một ngày ăn… Những nghề như thế có được công nhận là một nghề không?... Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp vấn đề này”.
Nếu nhìn từ tỉ lệ 11% hoa hồng trên doanh số thì đúng là những người bán vé số dạo đang có mức lợi nhuận không hề thấp. Hoặc như câu chuyện người bán trà đá ở Việt Nam có mức lợi nhuận 5.000-7.000%- như nhận định của Đại biểu quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến- thì đúng là mức tỉ suất lợi nhuận cao nhất thế giới.
Nhưng, giá mà không có chữ nhưng.
Nhưng mức tỉ suất lợi nhuận 5.000-7.000% ấy phải trừ một khoản “tiền tượng trưng” nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó- như trong chính phát ngôn của ông Tiến.
Nhưng tỉ lệ 11% hoa hồng hay số tiền “thu nhập cao” của người bán vé số phải trừ đi những tờ vé số ế bị buộc phải ôm vì những “quy định ngầm”. Huống chi, tỉ suất lợi nhuận hay tỉ lệ hoa hồng dẫu có cao, nhưng giá trị tuyệt đối quy tiền thì có khi còn chưa đủ giúp họ thoát ngưỡng nghèo.
Đằng sau những con số luôn là những phận người, những cuộc đời, những gia cảnh… mà những con số doanh thu, lợi nhuận, tỉ suất… đẹp như mơ không hề phản ánh được điều đó.