Chị Năm ở liền kề căn homestay tôi ở, ngày Tết mồng Năm, giữa trưa nắng, chị lễ mễ bưng sang một mâm cỗ đầy tú hụ cho bọn khách du lịch mà chị ấy với gia đình chẳng biết chúng nó là ai.
Khi nhìn thấy bóng chị, đương bê cái mâm sang, tôi vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác như có luồng điện chạy dọc sống lưng và thốt lên: Chết rồi. Thực tình chả biết chết cái gì, vì sao chết. Chỉ loáng thoáng một nỗi sợ mơ hồ, ấy là sợ nợ ân tình.
Nhưng đến bây giờ khi viết các dòng này, thì tôi biết đấy là kiểu tư duy của mình - thằng sống ở đô thị nửa đời rồi. Chứ ở vùng quê như thế, mâm cỗ để chia vui với bọn khách lạ, nó cũng vui. Thế thôi. Ai nghĩ lắm như mình làm gì.
Chị ý đặt mâm cỗ xuống rồi cười phớ lớ bảo, chị mang cho sắp nhỏ ăn. Thế xong rồi lại quày quả đi về. Tôi đực mặt ra, lý nhí cám ơn. Cả nhà cũng thế. Nói sao nhỉ, bọn tôi chưa quen được với sự tốt bụng như vậy.
Hôm sau, tôi đi kéo lưới, thấy mấy ông già kéo lưới nhọc nhọc là. Lưới thì dài và nặng. Chuyến lưới ý, được khối cá, xong anh Bảy vốc lấy một vốc, hai vốc cá gì tươi rói, giẫy đành đạch xong bảo, mang về cho sắp nhỏ ăn này. Tôi muốn từ chối, không lấy số cá đó, nhưng không đặng vì ai cũng bảo, cứ kéo lưới thì được cá là chia mỗi nhà một ít. Còn tôi cũng vẫn chưa quen được với cái sự chia này.
Mấy ngày ở biển, cũng may gặp được mấy anh ngư dân gộc đi biển dài ngày trở về. Anh nào anh đấy chắc nình nịch như đồng hun, thép nguội. Chốc chốc lại gọi với sang, bớ bọn Hà Nội sang nhậu sương sương chơi mậy.
Tôi là cái thằng ù lỳ không thích giao thiệp, cứ từ chối mãi xong đến lúc ngại quá bảo vâng vâng, thế rồi bọn Hà Nội fake kéo sang. Ối chà chà bữa nhậu bình dân vui hết nấc, bia nốc tì tì, gỏi cá cắn ngập răng. Các anh ngư dân bảo, biết sao bọn anh khoẻ, chắc như này không? Tôi bảo không. Các anh bảo, cả tháng bọn anh đi biển 24, 26 ngày, về nhà với vợ 3, 4 ngày thôi. Nói xong rồi cười ha hả ha hả.
Mình lại đực mặt ra bảo hay nhỉ hay nhỉ. Xong rồi đến tiết mục karaoke. (đoạn này quen quen). Bình thường thì tôi cũng chẳng hát hò vì khả năng kém. Cơ mà hôm đó vui quá, giật mic hát luôn bài Đắp mộ cuộc tình. Anh Tám ngồi kế bên cứ gật liên tục, rồi đu đưa cả người. Ngỡ ảnh đương lịm đi vì tiếng hát nên càng rống tợn, đến lúc quay sang thì thấy ảnh đang ngủ ngồi mà vẫn không quên gật gật. Cảm thấy hơi tổn thương cơ mà vẫn vui.
Hôm bọn tôi về, mấy chị quanh xóm mang cả mấy cân lá mồng năm khô (loại lá truyền thống của vùng này, uống cho đỡ nóng, đẹp da). Mấy chị lại bảo, mang về cho sắp nhỏ uống. Bấy giờ tôi đã quen quen thì bảo em xin. May là tôi có ít bánh kẹo thôi, chứ không biết tặng các anh chị ở đó món gì.
Buổi sáng, ngày cuối cùng ra ngắm bình minh. Mấy bà vợ ông Chín, ông Ba, ông Nhứt... đang ngồi đợi thuyền về. Bà vợ ông Nhứt nói, mai mốt mấy đứa về, cái ngõ này lại buồn thiu hà. Nghe xong, gai ốc mình lại nổi dọc sống lưng.
Bao năm đi dọc ngang đất nước rồi. Chưa đến cái vùng nào du lịch mà lạ lùng như thế, hay ho như thế. Mà những chuyện này chẳng thấy lên báo bao giờ. Còn họ, những ngư dân vẫn hồn hậu vậy thôi.