Hoàng Hoa Thám (1858-1913), hay được biết nhiều hơn dưới tên gọi Đề Thám, là một nhật vật nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Là thủ lĩnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế khiến chính quyền thực dân Pháp mất rất nhiều công sức đánh dẹp, Đề Thám nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng trên cả phương diện quân sự, chính trị lẫn phương diện thông tin đời tư, hành trang, cuộc đời.
Cuốn sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng tập hợp các bức điện báo, các thông tin báo chí và bài phân tích về chiến dịch hành quân chống Đề Thám của quân Pháp từ tháng Một đến tháng Ba năm 1909. Trong mắt quân Pháp, Yên Thế là một vùng không dễ tiếp cận, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy trắc trở, nghĩa quân cũng như người dân Yên Thế là những con người khó quy hàng, còn Đề Thám thực sự là một “hùm thiêng”, thoắt ẩn, thoắt hiện, không sao khuất phục nổi.
Ngay từ khi Đề Thám còn sống và sau đó, khi dư âm khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn hằn sâu trên đât An Nam, người Pháp đã dành nhiều bút mực, báo chí, sách vở để đưa tin, giới thiệu, đánh giá, và nhận định về “hùm thiêng” Yên Thế. Có thể kể đến một số tài liệu như Pirates et rebelles au Tonkin, nos soldats au Yen-The (Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ, quân đội của chúng ta tại Yên Thế, 1892) của đại tá Henri Frey, người tham chiến trực tiếp trận đánh đồn Hố Chuối (cuối 1890 đầu 1891); Opérations militaires au Tonkin (Những cuộc hành quân tại Bắc Kỳ, 1896) của sĩ quan Chabrol; Hoang Tham pirate (Tướng cướp Hoàng Hoa Thám, 1933) của Paul Chack; Au Tonkin. La vie aventureuse de Hoang Hoa Tham chef pirate (Ở Bắc Kỳ : Cuộc đời phiêu bạt của tướng cướp Hoàng Hoa Thám, khoảng giữa thập niên 1930) của A. L. Bouchet, người có nhiều lần gặp gia đình Đề Thám,…
Câu chuyện Đề Thám tiếp tục kéo dài trong giới sử học Pháp cho đến những năm gần đây, trong đó có thể kể đến công trình Le De Tham 1846-1913: Un résistant vietnamien à la colonisation française (Đề Thám 1846-1913: Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, 2007) của Claude Gendre.
Cuốn sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng vốn có nhan đề gốc là L’homme du jour. Le De Tham (Người đương thời. Đề Thám), được xuất bản năm 1909 tại Hà Nội, là một trong những tài liệu ra đời sớm, có tính thời sự của Đề Thám, về các cuộc đối kháng quân sự giữa chính quyền Pháp và đội quân Yên Thế. Tác giả biên soạn tài liệu này là Maliverney, chủ bút báo Tương lại Bắc Kỳ (L’Avenir du Tonkin). Cuốn sách Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng gồm ba nội dung chính: thứ nhất, giới thiệu nguồn gốc, tiểu sử Đề Thám và các hoạt động của ông trước năm 1909; thứ hai, các bài báo, điện tín của phóng viên báo Tương lai Bắc Kỳ gửi về từ Yên Thế; thứ ba, một số bài phóng sự, ký sự trận chiến năm 1909 tại Yên Thế.
Chuyển ngữ và ấn hành cuốn sách này, Nhã Nam đã cung cấp thêm cho người đọc một sử liệu tham khảo với nhiều thông tin sinh động, cụ thể, đặc biệt có cả tư liệu ảnh và bản đồ, về Đề Thám, khởi nghĩa Yên Thế.
Đối chiếu và kiểm chứng trong mạng lưới sử liệu
Cuốn sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng được viết bởi góc nhìn, quan điểm và tâm thế của người Pháp nên các tác giả luôn giữ giọng điệu “thực dân” khi đánh giá Đề Thám lẫn cuộc kháng chiến do ông chỉ huy. Dù thừa nhận năng lực quân sự xuất sắc của Đề Thám, thừa nhận “thời kỳ huy hoàng” mà Đề Thám từng “ngạo nghễ an cư giữa một thung lũng rộng lớn và màu mỡ”, các tác giả cũng không quen đánh giá cao công sức của quân đội Pháp khi chiếm đánh Yên Thế. Đây là tài liệu tham khảo, cần đọc trong sự đối chiếu, kiểm chứng với nhiều tài liệu, nghiên cứu lịch sử khác. Và để bảm đảo tinh thần khách quan của tài liệu, Nhã Nam giữ nguyên các thông tin, cách đánh giá cũng như giọng điệu của các tác giả cuốn sách.
Trong quá trình chuyển ngữ, Nhã Nam gặp rất nhiều khó khăn để biên tập chính xác các địa danh, nhân danh. Các địa danh, nhân danh do tác giả Pháp ghi lại, thường là giữ nguyên phiên âm tiếng Việt không dấu, có khi dựa vào trí nhớ/lời kể, nên không thể coi là chính xác tuyệt đối. Hơn nữa, địa bàn hoạt động của Đề Thám rất rộng, bao gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, nên các địa danh/nhân danh, theo đó, cũng có nhiều đơn vị như làng/xóm/thôn hoặc châu mà hiện nay, sau nhiều lần cải cách hành chính, đã thay đổi hoặc không còn.
Chúng tôi đã cố gắng tra cứu để biên đúng địa danh/nhân danh ở mức cao nhất và ý thức rằng, nhiều chỗ vẫn có thể sai sót. Một số địa danh/nhân danh không thể tra cứu, đơn vị phát hành quyết định để nguyên văn phiên âm như bản gốc.
Cuốn sách là một chùm tư liệu đáng quý cho những ai muốn tìm hiểu thêm góc nhìn của người Pháp về nhân vật vẫn còn nhiều tranh cãi như Đề Thám.