Tại SEA Games 29, đội tuyển U22 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Thất bại càng trở nên đắng chát hơn khi ở lượt trận cuối, U22 Việt Nam để thua “lấm lưng” 0-3 trước kình địch Thái Lan. Ngay tại phòng họp báo sau trận đấu, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã tuyên bố từ chức.
Không lâu sau đó, tới lượt Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức khẳng định sẽ rút lui, giữ đúng lời hứa “U22 Việt Nam không giành HCV SEA Games 29 sẽ từ chức”. Có lẽ hiếm khi nào sau thất bại của đội U22 Việt Nam, lại có nhiều người liên quan xin nghỉ đến vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, bầu Đức đã có kế hoạch rút khỏi VFF từ trước SEA Games 29, bất kể U22 Việt Nam có giành HCV hay không. Cụ thể theo nguồn tin mà phóng viên có được, trước thềm SEA Games 29, ông Đức đã báo cáo Thường trực VFF về việc sẽ xin nghỉ, không phụ thuộc kết quả của đội tuyển U22 Việt Nam ra sao.
Lý do giải thích cho quyết định của bầu Đức, là công việc kinh doanh của tập đoàn HAGL đang cần tập trung hơn. Bầu Đức có lúc đã phải tuyên bố tạm gác lại chuyện bóng đá để lo cho kinh doanh. Thời gian gần đây, công việc kinh doanh của HAGL có tốt hơn, nhưng bầu Đức vẫn còn bộn bề nhiều mối lo toan.
Nếu chỉ dừng lại đó thì mọi chuyện đã “trong ấm, ngoài êm”. Sự ra đi của bầu Đức và HLV Nguyễn Hữu Thắng trái lại, bỗng nhiên trở thành cái cớ cho một luồng chỉ trích khác nhắm vào các vị trí còn lại trong bộ phận lãnh đạo cấp cao VFF. Hai người được nêu đích danh là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn.
Ông Dũng đôi năm trở lại đây như công chúng đều biết, sức khoẻ trở nên không được tốt. Mọi việc của VFF từ lớn tới nhỏ, vì vậy đều tới tay của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Từ đối nội tới đối ngoại, giải quyết các công việc lớn nhỏ trong liên đoàn, kiếm tiền tài trợ… một tay ông Trần Quốc Tuấn phải xử lý cả. Thường trực còn 3 người khác thì bầu Đức vướng bận chuyện kinh doanh của HAGL, Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ chỉ chuyên trách truyền thông, còn ông Trần Anh Tú phải cáng đáng toàn bộ môn futsal. Ông Trần Quốc Tuấn vì vậy bỗng nhiên bị không ít lời chỉ trích là “thâu tóm quyền lực”, dù người trong cuộc thì biết ông Tuấn ở vào thế không làm không được.
Nếu tinh ý, người ta dễ thấy trong các luồng ý kiến chỉ trích nhằm vào VFF, người lên tiếng cũng không xa lạ gì. Nói như giới trong cuộc, thì ở VFF “người ta đang mượn miệng người quen” để tấn công đối thủ chính trị của mình. Mục tiêu không ngoài chiếc ghế Chủ tịch VFF mà ông Lê Hùng Dũng chắc chắn sẽ phải để lại ở đại hội diễn ra trong khoảng 1 năm tới.
Nếu nhìn vào nhân sự lãnh đạo cấp cao VFF hiện nay, sau khi ông Lê Hùng Dũng rút lui, số ứng viên khoanh lại chỉ còn độ 2 người. Bầu Đức đã quyết chí ra đi, ông Trần Anh Tú không cho thấy ham muốn đối với chiếc ghế quyền lực nhất do còn mải kế hoạch phát triển futsal. Ứng viên lớn nhất trong liên đoàn chỉ còn lại Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Ông Tuấn bị “búa rìu” là chuyện dễ hiểu, như nhận xét của người trong giới.
Dĩ nhiên, phạm vi ứng viên Chủ tịch VFF không chỉ giới hạn trong nội bộ lãnh đạo cấp cao VFF hiện tại. Một dạo, truyền thông từng điểm một loạt cái tên có tiềm năng ra tranh cử. Trong số này có thể kể tới Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, hay Hiệu trưởng Đại học TDTT TPHCM Lê Quý Phượng. Ông Nghĩa từng nhiều năm gắn bó với bóng đá nữ Hà Tây, lãnh đội tuyển nữ ở SEA Games 2007 trước khi không còn được VFF sử dụng mà không rõ lý do. Ông Lê Quý Phượng kín tiếng hơn và ít nổi danh trong làng bóng đá, nhưng lại có nhiều điểm mạnh khác.
Nếu đúng kế hoạch dự kiến, Đại hội VFF sẽ diễn ra vào tháng 3/2018. Với những gì xảy ra trong thời gian qua, sẽ không ngạc nhiên nếu giai đoạn tới, nội bộ VFF tiếp tục nổi sóng với những thông tin vào hàng tuyệt mật, chỉ người bên trong mới nắm rõ, được tuồn ra ngoài. Chuyện này từng xảy ra ở thời điểm đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng đương tranh cử, sẽ không lạ nếu tiếp tục tái diễn. Chiếc ghế Chủ tịch VFF “quyền rơm, vạ đá” như lời bộc bạch của ông Lê Hùng Dũng dạo nào, hoá ra cũng lắm sự quyến rũ, khiến bao người phải nhòm ngó.
Sau đại hội nhiệm kỳ VII, một quan chức ngành thể thao từng “phán” thẳng tưng, “cứ chờ coi cái BCH này tồn tại được bao lâu”. Lời dự đoán ngày nào hoá ra thành chuyện thực. BCH VFF nhiệm kỳ VII về hình thức vẫn ổn, nhưng như thừa nhận của chính ông Phó chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ, chưa bao giờ “đoàn kết cao”.