Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng.
Còn đối với tổ chức, tổng hạn mức giao dịch tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng trong một tháng.
Tuy nhiên, các quy định về tổng mức giao dịch trên không được áp dụng đối với ví của cá nhân, tổ chức có ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc nạp tiền vào ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ mở.
Khách hàng được sử dụng ví điện tử để chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ mở; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền ra khỏi ví về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết.
Trong khi, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được yêu cầu phải áp dụng các biện pháp phù hợp để xác thực các giao dịch.
Theo giải thích từ phía ban soạn thảo, các quy định trong việc sử dụng và hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân, tổ chức là nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Đồng thời, phù hợp với mục đích sử dụng để thanh toán các giao dịch nhỏ lẻ.
Ngoài các quy định trên, dự thảo còn đưa ra nhiều sửa đổi, bổ sung như phải hoàn thành liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng mới được kích hoạt sử dụng; đơn vị cung ứng dịch vụ không được cấp tín dụng hay trả lãi trên số dư ví điện tử; yêu cầu các tổ chức cung ứng phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ...