Ế ẩm, nhiều dự án chỉ có cỏ mọc um tùm
Được sáp nhập với Hà Nội và có tuyến được giao thông hiện đại bậc nhất của thủ đô hiện nay đi từ Nhật Tân tới Nội Bài nên thị trường BĐS Mê Linh đã từng được dự báo sẽ là tâm điểm của BĐS Hà Nội trong vòng 5-10 năm tới. Tuy nhiên, tính từ năm 2008 tới nay với những “cơn sốt” đất chóng vánh thì BĐS ở Mê Linh vẫn đang rất ế ẩm và giảm giá thê thảm. Dù nhiều khu vực đã và đang được đầu tư hạ tầng cơ bản nhưng cả đất biệt thự liền kề, đất nền giá trung bình chỉ trên dưới 10 triệu đồng/1m2 mà vẫn ế ẩm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm ha, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong.
Các dự án tiêu biểu ở khu vực này phải kêt tới như khu đô thị AIC, khu đô thị Minh Giang Đầm Và, khu đô thị Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5 và River land, Chi Đông,... tạo thành một chuỗi các đô thị nằm giữa vành đai 3 và 4. Nhiều dự án đã có thời gian triển khai lên tới 10 năm nhưng cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, thanh khoản BĐS khu vực này hiện vẫn rất thấp, chỉ thi thoảng có những khách hàng tìm đến mua nhưng cũng chỉ là để kinh doanh nên theo quan sát rất ít các ngôi nhà có người dân sinh sống. Thậm chí, một số dự án 10 năm vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến cho đất bị bỏ hoang hóa, chỉ có cỏ mọc um tùm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất Động Sản Hà Nội lý giải: khu vực Mê Linh lý do BĐS không phát triển là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vẫn chưa hoàn chỉnh. “Ở khu vực này điện, đường, trường, trạm, chợ…vẫn chưa hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân nên thanh khoản BĐS vẫn ế ẩm”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, việc BĐS khu vực Mê Linh vẫn chưa được nhà đầu tư quan tâm còn do trước đây là của Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội. Với vị trí địa lý và giao thông hưởng lợi từ các tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4…thì rõ ràng khu vực này sẽ có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư thì các dự án BĐS ở khu vực này phải sớm hoàn thiện kết cấu khung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong nội bộ dự án nhưng các nhà đầu tư tới ở vẫn rất thưa thớt (Ảnh: IT) |
Lý giải nguyên nhân “ế ẩm”
Được giới thiệu là khu đô thị mới hiện đại bậc nhất Hà Nội và ví như Phú Mỹ Hưng của miền Bắc, AIC có tổng diện tích 94 ha, gồm các lô Biệt thự có diện tích từ 160m2 đến 1000m2, được bao quanh bởi các khu Đô Thị Mới: Hà Phong, Cienco5, HUD, Diamond Park New...chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC).
Trao đổi với Dân Việt, Đại diện AIC cho biết, hiện dự án BDS tại Mê Linh là dự án đầu tiên mà AIC đã “lấn sân” sang lĩnh vực BĐS. “ Trong số 50 dự án mà các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Mê Linh thì AIC là một trong những dự án có quy mô lớn nhất, chỉ sau dự án Hà Phong. Hiện dự án của Hà Phong đã có nhà nhưng Hà Phong thuận lợi hơn là đầu tư từ 2008 còn AIC thì phải chính thức đầu tư là từ năm 2013”.
Theo vị đại diện này, AIC đầu tư theo hình thức quấn chiếu, giải ngân tới đâu thì quấn chiếu tới đó. Hiện AIC đầu tư dự án trên địa bàn của 3 xã và đang giải phóng mặt bằng, đồng thời tiến hành thi công đã đạt khoảng gần 20%. Dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2019 theo đúng kế hoạch”, đại diện AIC cho biết.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, đại diện AIC cho rằng: Bắt đầu 2010 – 2012 thị trường BĐS rất sôi động, các doanh nghiệp đầu tư ồ ạt vào khu vực này nhưng từ năm 2013, thị trường BĐS ế ẩm thì hầu hết các doanh nghiệp không chỉ ở Mê Linh mà trên cả nước cũng trầm lắng.
Đại diện AIC cũng cho biết, do đó, nguyên nhân chậm tiến độ là do thị trường BĐS, bản thân nhiều doanh nghiệp và AIC cũng đã triển khai đầu tư “cầm chừng” hơn và giải ngân cũng không như kế hoạch đặt ra. Từ kế hoạch đền bù và giải phóng mặt bằng trung bình 200 – 300 hộ dân/năm giai đoạn 2010 – 2013 thì sau đó giảm xuống còn 100 hộ, không dám triển khai nhiều, vì còn nhìn các dự án xung quanh.
“Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có tiền cũng sẽ không đầu tư vào BĐS thời điểm đó, vì xây nhà lên cũng không bán được cho ai. Còn bản thân các nhà đầu tư cũng xin ra hạn thêm vì họ không có tiền đóng theo tiến độ. Các nhà đầu tư hợp tác với ACI thường là các xuất “ngoại giao” hoặc nhân viên có kinh nghiệm lâu năm nên công ty có chế độ bán ưu đãi, còn các nhà đầu tư ở ngoài không có giao dịch mua bán nào với AIC vì dự án AIC chưa đủ điều kiện nên không được bán”, đại diện AIC giải thích.
Đại diện AIC cũng cho biết, ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan khác như, năm 2008 Dự án thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thủ tục hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch 1/500 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến 2010 Mê Linh sát nhập về Hà Nội nên doanh nghiệp phải làm lại hết các thủ tục từ đầu nên cũng mất một khoảng thời gian. Ngoài ra, ở khu vực dự án có tuyến đường 100 m của Nhà nước kết nối với sân bay Nội Bài, nhưng Nhà nước đầu tư 3 năm nay vẫn bỏ nửa chừng dẫn tới doanh nghiệp làm trục đường tới đó cũng chưa khớp nối được.
“Trong các nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ thì nguyên nhân thị trường BĐS đóng băng là quan trọng nhất” đại diện AIC nhấn mạnh.
Theo Dân Việt
Có thông tin nói rằng các doanh nghiệp đầu tư vào BĐS ở Mê Linh thu hồi được đất rẻ nhưng khi làm mới biết là mất rất nhiều tiền cho công tác đền bù hỗ trợ giải quyết việc làm, kiểm kê tài sản. Có nhiều trường hợp một ngôi mộ ở mức giá khoảng 5-10 triệu nhưng có ngôi mộ phải đền bù lên tới 2 tỷ. Trong khi một số doanh nghiệp họ “khoanh vùng” các ngôi mộ vào và tiếp tục triển khai, sau đó thì tự khắc người dân sẽ dọn mộ đi, nhưng AIC làm rất bài bản, đền bù xong mới triển khai dự án. Đại diện AIC cũng kỳ vọng, khoảng 2-3 năm nữa thị trường BĐS ở khu vực Mê Linh sẽ ấm dần lên”, Đại diện AIC cho biết.