Tại sao màu xanh?
Pure Blue, ta hay gọi là xanh lam, đôi khi gọi là xanh lơ - chữ lơ này là do cách đọc tiếng Pháp bleu (đọc là "b' lơ") chứ trước đây các cụ gọi không có chữ "lơ" nào chỉ màu sắc cả dù hiện tại, xanh lơ được hiểu như màu của đồng phục của nhiều công ty bảo vệ, trông xe. Xanh lam là một màu cơ bản trong quang phổ mà đa số người có khuyết tật tự kỷ dễ nhận biết nhất. Từ 2010, nhiều tòa nhà và cửa hàng ở New York, Chicago đã thắp ánh sáng pure blue để hưởng ứng ngày Thế giới Nhận biết Chứng tự kỷ (World Autism Awareness Day - WAAD- nhiều người dùng là nhận thức, nhưng theo cá nhân mình, "nhận biết" tốt hơn trong việc diễn đạt việc biết nó, thấy nó, ghi nhận nó, nhớ đến nó trước khi hiểu nó bằng những kiến thức rất chuyên sâu). Cũng ngày 1/4/2010, tổ chức Autism Speaks đã vận động Sàn giao dịch chứng khoán New York chiếu ánh sáng pure blue để hưởng ứng WAAD. Không thể nói Autism Speaks tạo ra chiến dịch Thắp đèn xanh vì người tự kỷ, nhưng chính họ là tổ chức vận động ở cấp độ toàn cầu theo format này: Thắp đèn xanh (Light it Up Blue)- Gửi thông điệp và/hoặc Gây quỹ cho các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ người có chứng tự kỷ.
Mặc dù có những chương trình khác so với LIUB, nhưng do uy tín khắp thế giới và các thông điệp hoàn toàn nhất quán với Nghị quyết A/RES/62/139 của Liên hợp quốc về việc lấy ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới Nhận biết Chứng tự kỷ nên LIUB được các nhóm tình nguyện sử dụng phổ biến mà không tạo thêm các hình thức mới cho cùng một nội dung.
Đã ai làm chưa?
LIUB phiên bản Việt Nam, cho đến nay, không có mục gây quỹ.
Từ năm 2015, dự án tình nguyện "Vòng tay tự kỷ" do một nhóm phụ huynh tự tổ chức chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về sự kiện WAAD, sự kiện thắp đèn xanh và các vấn đề liên quan đến người tự kỷ ở Việt Nam. Chiến dịch này đã thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia như hãng thời trang Ivy Moda, Elise, chuỗi bán lẻ Sakura, Khu Đô thị Time City thuộc Vinhomes, Đại học RMIT, Viện Nhi Trung ương, Trung tâm Hoa kỳ thuộc Đại sứ quán Mỹ, Lãnh sự Italia tại thành phố Hồ Chí Minh, UNFPA, VOV Giao thông, Báo điện tử Infonet, Báo Thanh Niên, Báo điện tử Vietnam Plus, Tạp chí Ngày Nay thắp đèn xanh và dựng poster, phát tờ rời tại hơn 200 điểm trong cả nước, viết hàng trăm bài báo, bản tin radio về chứng tự kỷ. Đặc biệt, từ 2019, tòa nhà VPBank Láng Hạ Hà Nội, Cầu Nhật Tân, Cầu Bãi Cháy, Vòng xoay Mặt trời tại Đà Nẵng, Hạ Long là những công trình lớn cũng đã giữ nguyên màu xanh pure blue trong thời gian diễn ra sự kiện, thay vì đổi sang nhiều màu khác trong hoạt động chiếu sáng tại các công trình đó. Những hoạt động này đã lôi kéo được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng đối với hội chứng tự kỷ, từ đó tìm hiểu kỹ hơn về nó và có nhận thức tốt hơn.
Từ năm 2021, hoạt động này được góp sức về nội dung bởi Trung tâm Tư vấn Pháp luật (CELA) thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và quỹ Sáng kiến tư pháp (JIFF).
Hiệu quả mang lại là gì?
LIUB là hoạt động không mang tính thương mại nên để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và lợi nhuận, quý vị có thể chọn chương trình khác tốt hơn. Việc tham gia LIUB sẽ chỉ có tác động tích cực đến hình ảnh của người tham gia đối với cộng đồng trong và ngoài nước.
Đây cũng không phải là chương trình từ thiện, mà là để thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và nhận biết, để nâng cao nhận thức và tiến tới ứng xử thích hợp, trước hết là sự phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC), Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).
Mong muốn của LIUB là có thêm tiếng nói từ các tổ chức, doanh nghiệp để "Tôn trọng - Thấu hiểu và Chấp nhận" sự hiện diện của người khuyết tật nói chung và người có chứng tự kỷ nói riêng.
Nhận thức đúng về tự kỷ và người có chứng tự kỷ, sẽ đem lại những ứng xử phù hợp, không phải là những hoạt động mang tính từ thiện mà quan trọng nhất, đó là sự tôn trọng, không gây tổn thương thêm về tinh thần đối với người có chứng tự kỷ cũng như phụ huynh và người chăm sóc.