Đã nhiều lần quyết tâm
Việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn đã được các cơ quan chức năng đặt ra từ nhiều năm qua. Cuối tháng 8/2011, Chính phủ đã hành Nghị quyết 88/NQ-CP, về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2012.
Tại Hà Nội, năm 2003, TP đã có biện pháp mạnh là ngừng cấp đăng ký xe máy tại các quận nội thành. Nhưng tới năm 2005, quyết định này bị bãi bỏ và việc cấp đăng ký xe máy đã được mở lại.
Thời gian qua, HĐND TP. Hà Nội đã hai lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân. Cuối năm 2015, lãnh đạo TP cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Việc này được giao cho Sở GTVT chủ trì, xây dựng.
Đến nay vẫn chưa có bất cứ phướng án cụ thể nào được đưa, cả từ phía Bộ GTVT lẫn TP. Hà Nội. Tuy nhiên, trong phát biểu của lãnh đạo cơ quan Nhà nước thời gian qua đều thể hiện quyết tâm phải có lộ trình giảm xe máy, riêng Hà Nội và TP.HCM sẽ cấm hẳn. Cùng với đó là phát triển đồng bộ hạ tầng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo người dân có phương tiện đi lại.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, tại các thành phố lớn, người dân càng sử dụng phương tiện cá nhân đi lại thì hạ tầng càng quá tải, giao thông càng trở nên lộn xộn và khó quản lý. Để tháo gỡ thì việc phát triển phương tiện giao thông công cộng là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu.
Làm hạ tầng giao thông, tiền đâu?
Định hướng tới năm 2025 Hà Nội sẽ dừng lưu thông xe máy, song, câu hỏi đặt ra là khi đó, giao thông công cộng đã phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân? Hiện giao thông công cộng tại Hà Nội chủ yếu là xe buýt. Các tính toán cho thấy, xe buýt chỉ có thể đảm bảo 25% năng lực vận tải công cộng của một thành phố. Với Hà Nội, hiện mới đảm bảo được khoảng 15%.
Đường sắt đô thị với tiến độ hiện nay, chắc chắn đến 2020 mới chỉ hoạt động có 2 tuyến. Tuyến đường sắt nội đô Nhổn - Cát Linh có chiều dài 12,5km thì có 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km hoàn toàn chạy trên cao. Đường sắt trên cao được đánh giá là không tiện lợi bằng đi ngầm.
Theo khảo sát của JICA (Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), nếu một thành phố, cứ 700m lại có một ga tàu điện ngầm hoặc tàu trên cao, người dân sẽ chỉ đi phương tiện công cộng đi làm.
Hà Nội, để đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, cần phải có 6 tuyến tàu điện ngầm và nổi, với tổng chiều dài trên 100km. Với chi phí từ 80-100 triệu USD/km thì đây là số vốn lớn, liệu có huy động đủ và xây dựng kịp tiến độ vào thời điểm 2025?
Tuy nhiên, cũng theo giới chuyên môn, tại các đô thị lớn, giao thông công cộng chỉ đáp ứng được tối đa 50-60% nhu cầu hàng ngày của người dân, còn lại là phương tiện cá nhân. Nếu ngừng lưu thông xe máy, người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nào để di chuyển? Hướng đến ô tô hay xe đạp và đi bộ?
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một quốc gia công nghiệp. Đã là quốc gia công nghiệp, thì ô tô sẽ là phương tiện giao thông phổ cập. Đó là quy luật tất yếu mà Việt Nam không nằm ngoài.
Tại TP.HCM, để loại bỏ xe máy, chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và ôtô, theo định hướng quy hoạch, sẽ có 15 đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông gồm 4 vành đai và cao tốc nối các tỉnh, có 6 tuyến xe điện ngầm, 3 tuyến xe điện nổi và 25 tuyến xe buýt nhanh, đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân. Kinh phí để thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông cần khoảng 470 tỷ USD, trong giai đoạn từ 2015-2025. Đây là số vốn khổng lồ, không biết lấy đâu ra?
Hạ tầng giao thông tại Hà Nội hiện chỉ chiếm 7-9% diện tích đô thị, trong khi trên thế giới là 20-25%. Trong số đó, trên 50% là đường nhỏ hẹp, có bề ngang dưới 10m, không đáp ứng cho ô tô lưu thông với số lượng lớn. Để không bị tắc nghẽn, Hà Nội chắc chắn cũng phải đầu tư hàng trăm tỷ USD trong 10-15 năm tới để nâng cấp, phát triển hạ tầng cũng như xây dựng các đô thị vệ tinh. Đây là số vốn rất lớn, khó có thể huy động được trong khoảng thời gian ngắn.
Người dân chỉ đi xe đạp khi có không gian an toàn và đi bộ khi có vỉa hè sạch sẽ thông thoáng. Vì vậy phải có đường riêng cho xe đạp, vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và đặc biệt là phải liên thông, liên tục,... Để đáp ứng các điều kiện trên là không đơn giản. Tuy nhiên, một xã hội chỉ sử dụng xe đạp, hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng, vì tốc độ di chuyển chậm chạp, khả năng chuyên chở và độ tiện nghi thấp.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc đưa ra định hướng dừng lưu thông xe máy cũng chỉ là định hướng, khó có thể thực hiện được trong 10 năm tới. Với tốc độ phát triển hạ tầng của Hà Nội như hiện nay, đến 2025, chắc chắn giao thông công cộng khó đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo Vietnamnet