Ngày 19/7, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận chung Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cộng đồng quốc tế chưa đạt được những tiến triển theo kế hoạch đề ra trong thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở thời điểm nửa chặng đường thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Việt Nam cho rằng cần triển khai những biện pháp mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa với sự tham gia của nhiều bên liên quan để đẩy nhanh tốc độ thực hiện mới có thể hoàn thành được các SDG vào năm 2030.
Trong 7 năm qua, Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các SDG trên khắp cả nước với sự tham gia của mọi thành phần với nguyên tắc "không ai bị bỏ lại phía sau."
Việt Nam đã đạt được những tiến triển rõ rệt, đáng chú ý nhất là trong xóa nghèo, đảm bảo nước sạch và vệ sinh, tiếp cận giáo dục chất lượng, đảm bảo bao phủ y tế phổ quát, tạo việc làm và tăng cường bao phủ của hệ thống an sinh xã hội, công nghiệp hóa, đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hòa bình, công lý và hoàn thiện thể chế.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức lớn trong thực hiện các SDG như ứng phó với các vấn đề toàn cầu, rủi ro về khí hậu và môi trường, áp lực phải thực hiện các cam kết quốc tế và đảm bảo cân bằng với phát triển, nguồn lực tài chính, cũng như dữ liệu cho giám sát và báo cáo.
Do đó, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn trong thực hiện SDG, tăng cường đầu tư công và tư nhân cũng như hợp tác quốc tế.
Từ kinh nghiệm của mình, Việt Nam đề xuất một số biện pháp để đẩy nhanh tốc độ thực hiện các SDG trong nửa sau của thập kỷ.
Trước tiên, các nước cần duy trì cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, với sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Thứ hai, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và huy động cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới và cơ sở hạ tầng như những công cụ thực hiện SDG.
Thứ tư, thu hẹp khoảng cách về dữ liệu hiện có với 232 chỉ số SDG toàn cầu để đảm bảo giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phối hợp với các nước đóng góp vào nỗ lực chung trong thực hiện các SDG đến năm 2030.