Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Tạp chí Ngày Nay ra số đầu tiên, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ giữa UNESCO và Việt Nam.
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

PV: Thưa ông Manhart, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác trong những năm qua giữa UNESCO và Việt Nam?

Ông Christian Manhart: Việt Nam và UNESCO có mối quan hệ hợp tác toàn diện lâu dài về Khoa học, Giáo dục và Văn hóa. Vào tháng 11/2021, một Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO mới đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Tổng Giám đốc UNESCO tại Paris. Đây là sự kiện hết sức đặc biệt và thể hiện cam kết rất cao của Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề UNESCO.

Trên thực tế, Việt Nam đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các cơ chế của UNESCO: Vào tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp). Thêm vào đó, Việt Nam cũng trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong cùng nhiệm kỳ. Gần đây nhất, Việt Nam được bầu cử làm thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể.

PV: Mới đây, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Ông Christian Manhart: Tháng 6 năm 2006, Việt Nam được bầu vào Ủy ban Liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể trong cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước. Đến nay, sau 16 năm, Việt Nam đã được tái bầu cử lần thứ 2. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO, luôn sẵn sàng đảm nhận các trọng trách trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay. Kết quả đạt được cũng một lần nữa cho thấy vai trò chủ động của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể. Điều này cũng khẳng định vai trò lãnh đạo và những tư vấn mà Việt Nam có thể cung cấp cho các quốc gia khác trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

PV: Hiện tại Việt Nam có 8 Di sản thế giới và 14 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO ghi danh. Vậy UNESCO đã có những hoạt động gì để hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể?

Ông Christian Manhart: UNESCO đã có nhiều dự án và hoạt động hợp tác tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia và địa phương trong việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa đa dạng và phong phú của mình.

Sự hợp tác của UNESCO tập trung chủ yếu vào nâng cao năng lực, huy động chuyên môn quốc tế và các thực hành tốt trong bảo tồn di sản, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền và lấy cộng đồng làm trung tâm, đặc biệt trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi đã thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục di sản cả trong trường học và cộng đồng cũng như các nghề thủ công truyền thống và du lịch vì lợi ích địa phương tốt hơn và phát triển bền vững. Hiện nay, UNESCO đang triển khai nhiều dự án văn hóa khác nhau, từ mạng lưới các thành phố sáng tạo, du lịch bền vững đến khôi phục di sản văn hóa. Chúng tôi hy vọng rằng với cách tiếp cận toàn diện này, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hóa mà còn tích cực phát huy các giá trị của di sản trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.

PV: Thời gian qua, Văn phòng UNESCO đã liên tục thực hiện các chuỗi hoạt động phát triển văn hóa-giáo dục sáng tạo tại Việt Nam, đối tượng chính là thế hệ trẻ. Ông có đề xuất gì để những người trẻ Việt Nam có cơ hội bộc lộ tài năng cùng sự sáng tạo của mình?

Ông Christian Manhart: UNESCO luôn thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào quá trình phát triển thông qua các chương trình và hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học và truyền thông. Chúng tôi tin rằng thanh niên đại diện cho thành phần nòng cốt của nguồn lực con người của mỗi quốc gia vốn đóng vai trò nguồn lực quý giá nhất, và họ cũng là những nhân tố cho sự sáng tạo và đổi mới.

Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra các nền tảng để giới trẻ có thể nêu lên tiếng nói của mình về những vấn đề họ quan tâm thông qua các diễn đàn, đối thoại, từ đó thanh niên tham gia tích cực hơn vào quá trình hoạch định ý tưởng. Gần đây, chúng tôi đang thực hiện Dự án Ha Noi Rethink, vốn được thiết kế nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Hà Nội như một Thủ đô sáng tạo tại Đông Nam Á. Dự án đã thu hút hàng nghìn thanh niên tham gia vào các cuộc thi, triển lãm, lễ hội…

Nếu khuyên các bạn trẻ, tôi muốn nhắc lại những gì đã chia sẻ với họ tại cuộc Đối thoại liên thế hệ nhân Ngày Quốc tế Thanh niên 2022: “Hãy theo đuổi ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Hãy mở rộng chân trời của bạn bằng cách thử sức học tập hoặc làm việc ở một quốc gia khác! Học ngoại ngữ! Và khi bạn có cơ hội, hãy làm việc chăm chỉ và thể hiện động lực của bạn! Khi đó bạn có cơ hội tốt để thành công”.

Hãy theo đuổi ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Hãy mở rộng chân trời của bạn bằng cách thử sức học tập hoặc làm việc ở một quốc gia khác! Học ngoại ngữ! Và khi bạn có cơ hội, hãy làm việc chăm chỉ và thể hiện động lực của bạn! Khi đó bạn có cơ hội tốt để thành công.

PV: Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế sau đại dịch COVID-19, UNESCO có những khuyến nghị gì để Việt Nam phát triển bền vững ngành du lịch và tận dụng được tiềm năng của di sản trong phát triển kinh tế cộng đồng?

Ông Christian Manhart: Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm gián đoạn hoàn toàn nền kinh tế du lịch và lữ hành, mặc dù Việt Nam hiện đang mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch quốc tế, nhưng liệu chúng ta có thể hoàn toàn trở lại thời kỳ du lịch quốc tế trước COVID-19 hay không vẫn còn rất nhiều thách thức. Hiện nay, UNESCO đang thực hiện dự án “Thúc đẩy du lịch bền vững và sự tham gia của khu vực tư nhân để phát triển cộng đồng bao trùm nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19”, thực hiện ở một số nước trong đó có Việt Nam. Dự án thu hút các doanh nghiệp tham gia vào việc thúc đẩy các thực hành bền vững, các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực cho các bên liên quan.

Dự án cũng dành nguồn lực cho việc bảo tồn các di sản văn hóa đồng thời tạo ra các cơ hội việc làm thay thế trong ngắn hạn dựa vào các văn hóa và di sản. Đó cũng là một phần khuyến nghị mà UNESCO muốn đưa ra với Việt Nam: thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa du lịch và bảo tồn di sản, giữa khu vực công và khu vực tư nhân, đồng thời khuyến khích sự gắn kết giữa cộng đồng địa phương với mọi hoạt động tại các khu di sản thế giới.

Báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam triển khai và hoàn thành 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, cụ thể là:

• Trước hết, là cung cấp thông tin xây dựng chiến lược và chính sách của Chính phủ để tạo nền tảng và hành lang pháp lý cho các hoạt động của UNESCO tại Việt Nam cũng như chia sẻ những khuyến nghị cũng như quan điểm của UNESCO trong các lĩnh vực chuyên môn,

• Thứ hai, là xây dựng kiến thức và hiểu biết để tạo nên những chuẩn mực xã hội tích cực, những khuôn mẫu và thực hành tích cực thông qua việc giới thiệu những cách hiểu đúng, những thực hành hay và những câu chuyện truyền cảm hứng;

• Thứ ba, là phân tích chuyên môn và nêu lên những phản hồi của xã hội đối với những thực hành không tốt hay những cách ứng xử tiêu cực trong cộng đồng,

• Thứ tư, là chiến đấu với những hành vi phân biệt hay phỉ báng đối với một số nhóm nhất định như cộng đồng dân tộc thiểu số, nhóm thiểu số tính dục, những người có HIV hay các nhóm yếu thế khác,

• Thứ năm, là khuyến khích và kêu gọi hành động từ tất cả các bên liên quan hướng tới mục tiêu vì hòa bình, bình đẳng, xã hội công bằng và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.