Đây là kết quả nghiên cứu và khảo sát của tổ chức môi trường Đức Germanwatch, được công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đang diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Báo cáo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu (KRI) 2020 do Germanwatch công bố, cho biết trong giai đoạn 1999 - 2018, Việt Nam nằm ở vị trí thứ 6 trong bảng chỉ số KRI 2020, với 29,83 điểm. Trong 20 năm qua, có tổng số 226 vụ liên quan thời tiết cực đoan, mỗi năm cướp đi sinh mạng của 285,80 người và gây thiệt hại trung bình mỗi năm 2,018 tỷ USD.
Như vậy, so với thống kê của Germanwatch giai đoạn 1998 - 2017 (ở vị trí thứ 9), Việt Nam đã tăng thêm 3 bậc theo bảng chỉ số KRI, điều cho thấy những thiệt hại về người và tải sản do thiên tai trong năm 2018 là rất lớn.
Germanwatch cho biết, trong năm 2017, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 theo chỉ số KRI, với 116 vụ thiên tai, làm 298 người chết và gây thiệt hại 4,052 tỷ USD.
Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức Germanwatch, được thu thập dựa trên số người thiệt mạng và thiệt hại về kinh tế, cho thấy mức độ nghiêm trọng mà các nước phải đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan như ngập lụt, bão lũ, nắng nóng…
Theo KRI năm 2019 của tổ chức Germanwatch, kể từ năm 1998, Puerto Rico là vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Sri Lanka đứng thứ 2 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Đứng ngay sau Sri Lanka là Dominica. Các nước tiếp theo trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu lần lượt là Nepal, Peru, Việt Nam, Madagasca, Sierra Leone, Bangladesh và Thái Lan.
Theo Germanwatch, hơn 11.500 thời tiết khắc nghiệt trong giai đoạn 1998 - 2017 đã làm hơn hơn 526.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới và gây thiệt hại khoảng 3.470 tỷ USD.