Việt Nam tận dụng APEC 2017 để thể hiện về tiềm lực của mình

(Ngày Nay) - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, hoạt động đối ngoại đỉnh cao của Năm APEC Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11. Nhân dịp này, Ngày Nay xin giới thiệu một số đánh giá của chuyên gia nước ngoài về vai trò của chủ nhà Việt Nam. 
Việt Nam tận dụng APEC 2017 để thể hiện về tiềm lực của mình

Chủ động trong việc xây dựng mô hình thương mại

Giáo sư Ezequiel Ramoneda - điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học La Plata (Argentina) chia sẻ: Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gây khó khăn cho nhiều quốc gia đồng minh của nước này tại châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia..., Trong bối cảnh đó, có nhiều nước như Nhật Bản, Australia và Việt Nam đang cố gắng sắp xếp lại tình hình và thỏa thuận đang được đề xuất là một hiệp định TPP không có Mỹ. 

Giáo sư Ramoneda nhận định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình này bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, đó là quá trình phát triển kinh tế vững chắc đang được chính phủ và nhân dân Việt Nam triển khai. Chính sách mở cửa của Việt Nam thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế trên thế giới, với TPP là một minh chứng. Hiện Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc thúc đẩy. Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và tham gia tích cực nhiều thỏa thuận của ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam đã phát triển tích cực chính sách mở cửa thương mại hội nhập với thế giới. Với chính sách đó, Việt Nam không chỉ thúc đẩy thực hiện quá trình phát triển kinh tế mà còn tham gia tích cực việc thiết lập các quy định của các tổ chức hội nhập mà Việt Nam muốn tham gia. Việt Nam là một trong ít quốc gia tham gia vào TPP cũng như RCEP. Việt Nam đã chủ động trong việc xây dựng một mô hình thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo Giáo sư Ramoneda, Việt Nam sẽ tận dụng APEC 2017 để thể hiện với thế giới về tiềm lực của mình, cũng như khả năng vượt qua thách thức, tiếp tục hội nhập tích cực, chủ động và hiệu quả với thế giới, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trong khía cạnh kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Giáo sư Ramoneda cho biết Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Argentina tại châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ song phương tốt đẹp này được phản ánh qua việc trao đổi các đoàn cấp cao, bộ trưởng hay chuyên viên giữa hai nước. Lượng du khách Argentina đến Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Trong 10 năm gần đây, quan hệ hai nước đã phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Thúc đẩy tự do hóa thương mại

Giáo sư Yeah Kim Leng, Đại học Sunway (Malaysia) đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với các hoạt động của APEC 2017. Đồng thời, ông bày tỏ nhiều kỳ vọng vào những kết quả đạt được tại APEC lần này với vai trò chủ nhà của Việt Nam.

Theo Giáo sư Yeah Kim Leng, một trong những đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu là chính sách bảo hộ thương mại. Để đảm bảo dòng chảy thương mại cũng như toàn cầu hóa, điều quan trọng là cần phải duy trì được tự do thương mại. Thực tế rõ ràng là các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, thực sự được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, APEC năm nay càng có vai trò quan trọng.

Với cương vị chủ nhà của Việt Nam, ý tưởng về tự do hóa thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương có thể được hồi sinh, thậm chí được các chính phủ quan tâm hơn, nhằm phá bỏ các rào cản thương mại và khuyến khích các dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Giáo sư Yeah Kim Leng cho rằng, APEC cần có những thay đổi về chính sách để thúc đẩy thực thi mạnh mẽ hơn các sáng kiến thay vì cơ chế hoạt động dựa nhiều vào sự tự nguyện như hiện nay. Bên cạnh đó, việc loại bỏ hàng rào phi thuế quan cũng như việc tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn nữa là những nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy mạnh hơn đầu tư nội khối giữa các nền kinh tế thành viên.

Giáo sư Yeah Kim Leng đánh giá chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, mà Việt Nam đưa ra cho Năm APEC 2017 là rất thích hợp khi châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. APEC là một trong những thị trường lớn nhất xét về quy mô và tiềm năng tăng trưởng cũng như tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Những yếu tố này giúp tăng cường thương mại và tạo ra tiềm năng to lớn thu hút đầu tư từ khắp các khu vực như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những thập niên qua và đang tiếp tục mở cửa hơn nữa đối với thương mại và kinh doanh toàn cầu. Tốc độ mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục dẫn dắt tiềm năng tăng trưởng cũng như những nguồn lực to lớn của Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực lao động. Việt Nam có nguồn nhân lực được đào tạo khá tốt.

Tiềm năng để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế xét trên khía cạnh thương mại và đầu tư sẽ được nâng cao hơn nữa thông qua hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, đặc biệt là hội nhập trong khu vực tự do hóa thương mại ASEAN hay trong khuôn khổ APEC.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.