Viết về một định kiến

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Viết về một định kiến

Người nữ đồng nghiệp đó, trải qua nhiều ngày tháng cơ cực trong hôn nhân, với nhiều dạng bạo hành tinh thần, đã ly hôn. Nhưng chính chị, cũng hay thở dài, “chị là một người thất bại mà”. Bạn tưởng tượng rằng nếu một người thân bên mình nói thế, chúng ta sẽ rất cáu. “Chị làm sao thế”, chúng ta sẽ gắt, “sai thì sửa chứ làm cái gì mà thất bại”.

Nhưng ngày thường, ta vẫn sẽ vô thức dùng viên mãn và hôn nhân rạn nứt là một cặp đối lập. Trong giao tiếp và trong truyền thông đại chúng, trong các bài giảng đạo đức. Ta lên án, bài xích, kỳ thị ly hôn một cách âm thầm và tinh tế mà chính bản thân không nhận ra. Điều này, đã tạo ra một áp lực có bề dày lịch sử lên những người đàn ông và phụ nữ trong xã hội Việt Nam - mà chủ yếu là phụ nữ.

Đôi khi, hay thậm chí là rất thường xuyên, việc vợ chồng rạn nứt - dù ta không muốn - là một chỉ dấu khách quan mà người vợ và người chồng cần xem xét từ nhiều góc độ. Đó có thể là một cơ hội, chứ không phải mất mát. Với tỉ phú Bill Gates và Melinda đó có thể là một cơ hội, và thậm chí Melinda không chắc đã đủ dũng cảm để nắm bắt cơ hội đó sớm hơn chưa. Với người phụ nữ thuyền chài bị đánh trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, đó có thể là cơ hội. Với rất nhiều người phụ nữ khác khắp đất nước này, đó có thể là một cơ hội, mà họ sẽ vuột mất vì định kiến.

“Chị cố giữ cho con”, họ sẽ nói não nề. Và bạn sẽ lại cáu: “Đừng nhân danh trẻ con. Nó không khiến đâu”. Bạn sẽ ức chế thay cho thái độ chịu đựng đó, và bạn nhận thức rất sâu sắc rằng đó là kết quả của một định kiến.

Tôi cũng là một người bảo vệ gia đình hạt nhân, ăn cơm nhà 330 ngày một năm, và không xem nhẹ mối quan hệ vợ chồng, thậm chí có thể tự tin rằng mình và vợ đã cùng đầu tư cho nó ở một cấp độ hiếm gặp. Nhưng tôi không tin vào việc tuyệt đối hóa cái gì cả. Hôn nhân chỉ là một ý niệm khách quan, giống cái đinh ghim thôi. Dùng lên xấp giấy thì tốt; còn bấm lên da thịt như trong phim gangster thì đấy là tra tấn. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Và rạn nứt có thể là một cơ hội.

Đó là cơ hội không dễ nhận ra, thậm chí cần nhiều quyết tâm để tận dụng nếu nó đến. Ly hôn là một quyết định cần rất nhiều đánh đổi, nhưng nó cũng thường xuyên mang lại cuộc đời mới, ít nhất là chủ động hơn cho con người. Đã không dễ nhận ra, nên bạn đừng góp mồm chôn vùi cuộc đời của nhiều người, bằng sự tuyệt đối hóa hôn nhân, và khéo léo phỉ báng những sự “tan vỡ” nữa.

Chuyện nhỏ lắm. Nhưng tôi biết, và bạn cũng biết, bao người đã gánh cái định kiến đó trên lưng. Nên từ mai chúng ta có thể nhớ điều này: Đừng đặt viên mãn và ly hôn là một cặp đối lập, vậy là được rồi.

Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.
Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
Số trẻ em tại Nhật Bản tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp
(Ngày Nay) - Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 4/5, số trẻ em tại nước này tiếp tục giảm trong năm thứ 43 liên tiếp và tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực triển khai những biện pháp chưa từng có để giải quyết vấn đề này.