Năm 2022, ngành Du lịch của tỉnh có 8,2 triệu lượt khách với mức doanh thu 3.282 tỷ đồng. Trong năm 2023, ngành Du lịch duy trì tốc độ phát triển ổn định với tổng lượt khách ước đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2022, tổng doanh thu ước đạt hơn 3.610 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc có gần 5,9 triệu lượt khách với mức doanh thu chỉ đạt 2.280 tỷ đồng. Mỗi lượt du khách đến tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiêu khoảng 370.000 đồng.
Vĩnh Phúc là tỉnh sở hữu nhiều địa danh nổi tiếng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải... với cảnh quan thiên nhiên đẹp; đồng thời có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có hàng chục di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Toàn tỉnh có 4 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đang hoạt động. Các di tích lịch sử, văn hóa mang đậm giá trị tâm linh, kiến trúc như: Danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên…Tỉnh còn có một lợi thế về mặt địa lý đó là gần Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và trung du có dân số đông; do vậy, tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
Thời gian gần đây, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, số lượng du khách đến với tỉnh tăng theo từng năm một tăng. Để du lịch phát triển toàn diện, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng đến các khu du lịch tập trung trên địa bàn; đồng thời trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử, đền, chùa phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan. Vĩnh Phúc cũng tập trung tuyên tuyền quảng bá, giới thiệu về các địa danh nổi tiếng, các lễ hội, giới thiệu các sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh ... với mong muốn có nhiều người biết tới Vĩnh Phúc nhằm phát triển du lịch, dịch vụ.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, hiệu quả của ngành Du lịch Vĩnh Phúc là rất thấp và chưa xứng với lợi thế, tiềm năng. Cho dù số lượng khách đến với Vĩnh Phúc ngày càng tăng nhưng mức chi tiêu của mỗi du khách tới tỉnh còn thấp, du khách chủ yếu là chuyến đi ngắn ngày hoặc về ngay trong ngày, do đó ít chi phí cho các dịch vụ ăn, nghỉ...
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, nhất là các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao. Các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm trên địa bàn vẫn còn thiếu; các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng còn đơn điệu, chưa nêu bật được dấu ấn đặc trưng vùng miền, dấu ấn riêng của tỉnh.
Hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ, chưa chuyên nghiệp nên chưa thu hút được lao động có chất lượng cao. Lực lượng làm công tác du lịch vừa thiếu, vừa yếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các nhà nghỉ, khách sạn ở các khu du lịch tập trung chủ yếu quy mô nhỏ bé, thiếu sự hợp tác, liên kết để san sẻ cho nhau những khi cơ sở lưu trú quá tải hoặc khai thác hiệu quả hơn những nơi vắng khách. Điều này cũng khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch liên hệ để đặt nơi ăn, ngủ và có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải hủy tour vì không đặt được phòng cho đoàn tham quan có số lượng người đông.
Thời gian tới, ngành Du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục định hướng phát triển theo các loại hình chính gồm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo... nhằm tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương.
Các ngành chức năng tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Qua công tác kiểm tra, các đơn vị chuyên môn làm nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với các biểu hiện sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "chặt chém" du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình quảng bá du lịch, đẩy mạnh quảng bá du lịch Vĩnh Phúc trên nền tảng số, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về du lịch cho cán bộ, nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.