Họ không chỉ là thu gom và tái chế vỏ hộp sữa, chai nhựa, túi nylon để góp phần giảm thiểu rác thải. Giáo dục trẻ em về bảo vệ môi trường, để các em có thể thay đổi được nhận thức và hành vi của cả xã hội, mới là cái đích cuối cùng họ hướng đến…
_____________
Đúng 6h sáng, chuyến xe thu gom vỏ hộp sữa của công ty Lagom Vietnam bắt đầu khởi hành từ kho hàng tại Đông Anh, Hà Nội. Điểm đến là 18 điểm trường tiểu học tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đồng hành cùng tôi trên chiếc xe tải là anh Thiện và anh Lâm, 2 nhân viên trong đội thu gom của Lagom.
“Chưa ăn sáng à em?”, anh Thiện vừa nhai bánh mì vừa hỏi, “giờ này đi là còn muộn đấy! Nếu thu gom trong nội thành Hà Nội, bọn anh xuất phát từ 4h sáng cơ. Xe tải cỡ này bị cấm lưu thông trong thành phố từ 6h sáng đến 9h tối mà.”
Đội nhân viên thu gom của Lagom có 8 người, chia đều ra 4 xe, mỗi xe 1 tài xế và 1 phụ xe. Anh Lâm và anh Thiện là một cặp như thế, đã đồng hành cùng nhau gần 3 năm. “3 năm nay chắc không gặp ai nhiều hơn gặp Lâm!”, anh Thiện tếu táo.
Lagom Vietnam là công ty chuyên thu gom vỏ hộp sữa, túi nylon, chai nhựa… tại cộng đồng và trường học, rồi gửi tới các đối tác của mình là Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến (Bình Dương), Công ty Cổ phần Tetra Pak Vietnam và Công ty Nhựa Duy Tân (TP HCM), để họ xử lý & tái chế thành sản phẩm mình đang kinh doanh. Ngoài ra, Lagom Vietnam cũng tự tái chế các nguyên liệu trên thành bàn, ghế, chậu cây, bộ thẻ đồ chơi… để bán.
8h sáng, xe dừng trước cổng trường Tiểu học Lạc Vệ 2, điểm trường đầu tiên trong đợt thu gom. Chị Tuyết, giáo viên phụ trách thu gom vỏ hộp sữa của trường, dẫn chúng tôi tới căn phòng tập trung vỏ hộp.
“Trường mình có 773 học sinh, mỗi em uống trung bình 12 hộp/tháng. Cứ nửa tháng là được 3 bao tải đầy, nặng gần 200 cân thế này”, chị nói.
Mở bao tải, tôi bất ngờ trước những “tác phẩm” của các em học sinh. Vỏ hộp sữa sau sử dụng được các em xếp ngay ngắn theo hình vòng tròn trong bao tải do Lagom tài trợ, với một lõi ở giữa, để tránh bị tràn ra ngoài. Từng chiếc vỏ đều được ép dẹt và dán kín bằng băng dính, ngăn không cho vi khuẩn lọt vào làm sữa lên men, bốc mùi hôi. Những bao tải này sẽ được chở về kho tại Đông Anh, Hà Nội. Ở đây, vỏ hộp sữa được ép thành từng khối lớn, để chờ Lagom cùng các đối tác xử lý và tái chế thành sản phẩm kinh doanh.
Vỏ hộp sữa được các em học sinh xếp ngay ngắn trong bao tải. |
“Học sinh mê cắt dán vỏ hộp sữa vô cùng, nên xin các cô ngày nào cũng uống sữa! Giáo viên bảo nhau như thế thì không đủ điều kiện đáp ứng, nên ‘đền’ bằng cách đưa hoạt động cắt dán vỏ hộp sữa vào giờ thủ công”, chị Tuyết hào hứng kể.
“Các chú ơi! Cháu có quà tặng các chú ạ”, một bé trai gọi với lại khi chúng tôi chuẩn bị rời đi. Trên tay cậu bé là một mô hình nhà bằng vỏ hộp sữa, do em làm trong giờ thủ công hôm trước. Đón lấy món quà, anh Lâm xoa đầu bé trai: “Tớ cảm ơn cậu nhé!”
Xe dừng ở mỗi trường không quá 5 phút, nên ai nấy đều rất khẩn trương. Trước chỉ quen gõ phím, nên hai cánh tay tôi run lên sau mỗi lần cùng các anh vác những bao tải nặng sáu, bảy chục cân lên xe. Đi hết 18 điểm trường, áo mấy anh em đều đã ướt đẫm, nhưng ai cũng tỉnh táo, vui vẻ. Chúng tôi còn tranh thủ ngồi uống nước mía được giáo viên mua tặng, rồi chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau trước khi về.
Anh Lâm, nhân viên của Lagom trong chuyến thu gom vỏ hộp sữa tại Bắc Ninh. |
Đúng 12h trưa, xe đã về đến kho hàng của Lagom tại Đông Anh. Lượng vỏ hộp sữa thu được hôm nay là hơn 1 tấn, vượt chỉ tiêu ban đầu. Bởi ở một số trường không có trong danh sách thu gom, giáo viên vẫn hì hục chở những bao tải đầy vỏ hộp sữa đến trao tận tay cho nhân viên.
Đồng hành cùng tôi trong chuyến thu gom buổi chiều tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm là anh Tiến Quân, tài xế và một “phụ xe” nhí - bé Quang Anh, 9 tuổi, con trai anh Quân. Nhiều nhân viên Lagom đã quen mặt Quang Anh, bởi cậu thường xuất hiện cùng bố trong những chuyến xe thu gom. Có người còn thân mật gọi Quang Anh là “em bé của Lagom”.
Bé Quang Anh, con trai anh Quân, trong một lần đồng hành cùng cha tới các sự kiện bảo vệ môi trường do Lagom Vietnam và tổ chức Green Life kết hợp tổ chức. |
Chiều hôm đó, trời đổ mưa, rồi chuyển lạnh. Anh Quân quay sang hỏi con trai, thời tiết mưa gió thế này, hay là bố đưa con về rồi hôm khác mình đi với nhau? “Không về đâu bố ơi, con mang áo mưa mà!”, Quang Anh trả lời chắc nịch, rồi khoác áo mưa lên người.
Xe dừng trước cổng nhà văn hóa thôn Mễ Trì Thượng. Ba bác gái lớn tuổi trong hội phụ nữ của thôn đã đứng chờ sẵn với những bao tải lớn chứa vỏ hộp sữa, chai nhựa và túi nylon.
“Đây là nửa tấn rác nhựa, thu được trong nửa tháng”, một người nói, “nhưng từ tháng 1/2022 trở đi, chúng tôi mới được nhiều thế. Đợt mới triển khai thu gom rác nhựa hồi tháng 11 năm ngoái, 1 tháng chỉ thu được 1 tạ là cùng. Vì ban đầu người dân ngại giữ lại rác trong nhà, hoặc chưa tin tưởng chiến dịch. Còn bây giờ, nhiều người đã tự mang rác đến điểm tập kết, không chờ người đến tận nhà thu nữa.”
Trong lúc đó, Quang Anh đang lấy từng chiếc chai nhựa trong bao tải ra, săm soi kỹ càng. “Chai này là nhựa loại 1, còn chai này loại 2,” cậu bé “phổ cập” kiến thức cho tôi, “hai loại này đều nên tái chế, nên phải giữ, không được vứt đi chú ạ.”
“Tải” xong gần 1 tấn rác ở 2 thôn Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ, tôi cùng bố con anh Quân lên xe về kho. “Nhiều khi thấy kiến thức và ý thức của con còn hơn cả mình!”, anh Quân vừa lái vừa kể, “cháu thuộc lòng tên các loại nhựa, biết loại nào nên tái chế, loại nào không nên. Đi ra ngoài mà uống sữa là cứ giữ vỏ khư khư bên người, để đem về nhà xếp vào thùng rồi đưa bố mang đến công ty. Có lần mẹ lỡ tay vứt vỏ hộp sữa đi, cậu lại thò tay vào thùng rác nhặt ra, rồi “chỉnh” mẹ là phải cắt dán thế này, ép dẹt thế kia. Nếu thấy bố mẹ dùng ống hút nhựa hay túi nylon, là cậu cũng ý kiến ngay!”.
Tôi thắc mắc, làm sao để rèn cho cháu được những thói quen đó? “Bằng những chuyến đi như thế này”, anh Quân nói, “ chỉ mong sau này cháu làm công việc gì đó có ích cho môi trường. Con hơn cha là nhà có phúc.”
“Sau này, cháu muốn tự thành lập một công ty chuyên về thu gom và tái chế rác như Lagom, để bảo vệ môi trường chú ạ!”, Quang Anh hồn nhiên.
Nhưng anh Quân cũng học hỏi được nhiều điều từ con trai. Qua những lần đồng hành cùng con, thói quen và tình yêu môi trường của Quang Anh đã “ngấm” vào anh lúc nào không hay. Anh đã tự hoàn thiện bản thân mình qua việc dạy dỗ con cái. Mặc dù trước khi trở thành nhân viên của Lagom, anh cũng như nhiều người khác, nghĩ bảo vệ môi trường “chưa phải việc của mình”.
“Nói vui là bố dạy con, con cũng dạy lại bố!”, anh Quân cười.
Câu đùa vừa rồi của anh Quân hàm chứa triết lý quan trọng nhất của Lagom Vietnam. Đó là chú trọng giáo dục cho trẻ em về bảo vệ môi trường, rồi để các em gián tiếp thay đổi hành vi và nhận thức của những người trưởng thành.
“Với người lớn, thay đổi hành vi và nhận thức là điều khó, mất nhiều thời gian. Nhưng quá trình này sẽ nhanh và dễ dàng hơn nhiều, nếu chúng ta dạy cho con cái họ những thói quen về bảo vệ môi trường, và đề nghị họ cùng tham gia, hỗ trợ”, chị Đoàn Thảo Vân, đại diện quản lý dự án và truyền thông phía Bắc của Lagom Vietnam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, niềm tin của Lagom Vietnam đã và đang trở thành hiện thực. Sau 2 năm triển khai, chương trình thu gom vỏ hộp sữa của Lagom đã xuất hiện tại các trường học trên mọi quận, huyện thuộc Hà Nội. Tính trên cả nước, mạng lưới thu gom của Lagom đã có mặt tại 10 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội và TP HCM, với hơn 2.000 điểm trường và hơn 40 điểm cộng đồng.
Giáo viên và phụ huynh cũng ngày càng tin tưởng và ủng hộ chương trình hơn. Có những gia đình ở tận Long Biên, nhưng cuối tuần vẫn lái xe hơn 20 cây số tới Đông Anh để “nộp” vỏ hộp sữa. Chị Vân cho biết, nếu không bị dịch bệnh ảnh hưởng, mỗi tháng Lagom Vietnam và các đối tác của mình xử lý đều đặn gần một trăm tấn vỏ hộp sữa.
“Ban đầu, mình và các giáo viên khác ngại lắm, vì sợ lưu lại vỏ hộp sữa sẽ tốn diện tích, bốc mùi, ‘gọi’ ruồi với chuột đến…”, chị Tuyết chia sẻ, “Nhưng khi thấy vỏ hộp sau khi ép dẹt, dán kín hoàn toàn sạch sẽ, ai cũng tin tưởng và nhiệt tình làm. Quan trọng nhất, chúng tôi hiểu được đây không chỉ là hoạt động thu gom thông thường, mà là thu gom mang tính giáo dục.”
Một tiết học cách xử lý vỏ hộp sữa tại Trường Tiểu học Minh Đạo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tuy nhiên, vẫn còn những điều phải cải thiện. Ở một số trường, vỏ hộp chưa được xử lý đúng cách làm sữa rò rỉ, bốc mùi hôi, thu hút chuột tới cắn rách bao tải; hoặc xếp vỏ hộp sữa không đúng cách, làm đổ tràn ra ngoài; thậm chí còn có trường hợp vứt các loại rác thải khác vào bao tải đựng vỏ hộp sữa.
“Trong quá trình thực hiện, cũng có nhiều khó khăn nảy sinh. Ví dụ, không phải em nào cũng uống hết sữa; hay khi dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn mọi thứ quá lâu, học sinh gần như quên sạch cách xử lý vỏ hộp sữa… Vì vậy, tôi nghĩ giáo viên cần phải kiên trì và sát sao hơn nữa, để phát huy được tính giáo dục của chiến dịch này,” chị Tuyết nói.
Sắp tới, Lagom Vietnam hy vọng sẽ mở rộng được chiến dịch của mình tới những tỉnh miền Bắc khác. Họ đang đi những bước đầu tiên với 18 trường học tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
“Hiện tại, mình thấy sự kết nối, hợp tác giữa các tổ chức môi trường chưa đủ mạnh. Hầu hết đều đang hoạt động nhỏ lẻ, riêng biệt, nên chỉ có tác động lên một cộng đồng nhỏ, chứ chưa có sức ảnh hưởng toàn diện lên xã hội. Vì vậy trong tương lai, Lagom Vietnam rất muốn được đồng hành với các tổ chức, công ty cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, để những người làm môi trường không còn cảm thấy cô đơn nữa,” chị Vân nói.