Lưới trời lồng lộng
Đại tá Đỗ Long Vân, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ hai đối tượng là vợ chồng phạm tội buôn bán người trốn nã từ những năm 1990. Theo đó, đối tượng Đỗ Thị Toán (SN 1962) cùng chồng Tạ Văn Đời (SN 1960) quê ở thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, Hải Dương, bị truy nã về hành vi mua bán phụ nữ bất ngờ xuất hiện tại Hải Dương sau 25 năm trốn nã.
Sự trở về đột ngột của Toán khiến những người thân trong gia đình khá ngỡ ngàng. Tuy nhiên, vì vẫn cảnh giác nên vợ chồng Toán, Đời chỉ xuất hiện ở quê trong phút chốc rồi vội vã đi ngay.
Cặp vợ chồng trốn nã bị bắt giữ.
Thông tin về sự trở về của Đỗ Thị Toán được quần chúng trên địa bàn cấp báo tới phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Hải Dương. Theo tài liệu lưu giữ tại PC52 thể hiện rõ, sau khi gây án và bị truy nã, Toán và chồng đã bỏ trốn, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình cũng như với những người quen biết. Người thân tại địa phương nghĩ rằng vợ chồng Toán đã ra nước ngoài hoặc bỏ mạng đâu đó nơi đất khách quê người.
Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Đại tá Vân đã lật lại hồ sơ xây dựng chân dung đối tượng và lên kế hoạch xác minh bắt giữ hai đối tượng về quy án. Theo đó, trước đây vì túng thiếu, vợ chồng Toán đã tham gia vào một đường dây buôn bán phụ nữ. Vụ án bị bại lộ, các đối tượng khác trong đường dây bị bắt giữ, riêng vợ chồng Toán, Đời đã nhanh chân chạy thoát.
Theo Đại tá Vân, bằng các biện pháp trinh sát, PC52 đã thu thập được những thông tin rất quan trọng về vợ chồng Toán, Đời. Sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ về việc bắt giữ hai đối tượng, ngày 3/1, một tổ công tác của PC52 Công an tỉnh Hải Dương đã có mặt tại phường Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) để bắt giữ Đời. Một tổ khác vào phường 11, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh, bắt giữ Toán. Do có sự phối hợp tốt với công an các địa phương nên việc bắt giữ diễn ra an toàn.
Hai đối tượng ban đầu còn chối cãi về thân phận của mình. Tuy nhiên trước những chứng cứ được trưng ra, cả hai phải cúi đầu thừa nhận thân phận thật sự của mình.
Theo đó, để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng Đời đổi tên thành Nguyễn Tuấn Thành (SN 1958, trú tại Hà Nội) còn Toán đổi thành Khuất Thị Vinh (SN 1960, cũng trú tại Hà Nội) để lẩn trốn. Lời khai ban đầu của hai đối tượng thể hiện, sau khi biết đồng bọn bị bắt giữ, vợ chồng Toán, Đời lo sợ liền dắt theo 2 cô con gái bỏ vào Lâm Đồng. Tại đây cả hai đã kiếm cho mình chứng minh nhân dân giả với tên tuổi quê quán khác để che giấu nhân thân.
Thời gian đầu, hai đối tượng kiếm sống bằng việc vào rừng chặt măng mang đi bán. Sau khi có đồng ra đồng vào, vợ chồng Toán, Đời chuyển sang buôn bán các mặt hàng nông sản. Cuộc sống vì thế mà có phần khấm khá. Cũng trong quá trình trốn nã, vợ chồng Toán, Đời đã sinh thêm cậu con trai thứ ba. Khi cậu con trai út hỏi về quê cha, đất tổ, Toán và Đời chỉ biết lảng tránh...
Khi các con dần trưởng thành, lập gia thất, nỗi nhớ gia đình, quê hương lại thôi thúc vợ chồng Toán, Đời tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhiều người dân xã Phúc Thành khi hay tin vợ chồng Toán Đời bị bắt thì chẹp miệng: “Tội trạng gây ra thì phải chịu. Chỉ tội cho những đứa con, đến tận bây giờ mới biết. Thật đau đớn...”.
Tội lỗi khó tha
Ngay sau khi hay tin vợ chồng Toán Đời bị công an bắt giữ, nhiều người dân không chỉ xã Phúc Thành mà khắp tỉnh Hải dương tỏ ra phẫn nộ về hành vi không có tính người của đôi vợ chồng này. Họ càng căm giận hơn khi biết tội lỗi mà cặp vợ chồng này cùng đồng bọn gây ra.
Theo tài liệu cơ quan công an cung cấp, đầu tháng 3/1990, Đời trong lúc làm ăn thua lỗ đã được người cháu là Tạ Thị Nga (cũng trú tại Hải Dương) gợi ý về việc tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán. Vì hám lời, Đời đồng ý. Sau khi trao đổi, Đời và Nga thống nhất, Nga có nhiệm vụ tìm mối hàng, còn Đời tìm những cô gái trẻ, có nhu cầu sang Trung Quốc...
Qua các quan hệ xã hội, Đời quen biết chị Đỗ Thị Ng. (vào thời điểm đó, Ng. vừa tròn 19 tuổi, ở Kim Thành, Hải Dương) đang có nhu cầu sang Trung Quốc lấy chồng. Toán cũng giúp sức đắc lực cho Đời trong việc thực hiện hành vi phạm tội, nhiều lần cùng chồng gặp nạn nhân Ng., dùng những lời lẽ ngon ngọt, dụ dỗ cô gái trẻ. Tuy nhiên, vì lo sợ nên Ng. đã không sang Trung Quốc.
Phi vụ này thất bại, rút “kinh nghiệm”, vợ chồng Toán-Đời dùng những thủ đoạn tinh vi hơn để dụ dỗ các nạn nhân khác. Bằng những lời ngon ngọt về viễn cảnh nơi xứ người không cần làm vẫn có ăn, cặp vợ chồng này đã lừa chị Võ Thị Q. (trú tại Hải Dương) sang Trung Quốc giao cho Nga và được trả công 500 nghìn đồng.
Vụ đầu tiên trót lọt, Nga tiếp tục về Kim Thành gặp hai nạn nhân là Nguyễn Thị Th. và Nguyễn Thị X. (đều ở Hải Dương) và rủ họ sang Trung Quốc làm ăn. Ngày 16/4/1980 (âm lịch) Nga, Đời đưa hai nạn nhân theo đường Lộc Bình, Lạng Sơn. Khi sang đến đất khách quê người, hai nạn nhân quá hoảng loạn nên đã thay đổi ý định, đòi về nước. Vì sợ sự việc bị bại lộ, Nga và Đời buộc phải đưa các nạn nhân trở về.
Về phần Toán, khoảng cuối tháng 5/1990 (âm lịch), Toán và đối tượng Trần Thị Nguyệt (SN 1955, trú tại Kinh Môn, Hải Dương) tiếp tục lừa Đinh Thị Vân A. (18 tuổi, ở Hải Dương) sang Trung Quốc bán với giá 700 nghìn đồng. Vụ án bị triệt phá, các đối tượng trong đường dây lần lượt bị bắt giữ hoặc đến cơ quan công an đầu thú.
Chuyển đối tượng sang cơ quan cảnh sát điều tra
Đại tá Đỗ Long Vân cho biết, sau khi di lý các đối tượng từ các tỉnh miền Nam về Hải Dương, PC52 đã hoàn thiện hồ sơ và bàn giao các đối tượng cho phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45). Một lãnh đạo PC45 xác nhận đã tiếp nhận hai đối tượng Đời, Toán. Cơ quan này đang thụ lý điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
5 năm bắt hơn 2.700 đối tượng phạm tội mua bán người
Vì hám lời nên nhiều đối tượng đã vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa.
Tại hội nghị đánh giá kết quả tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra ngày 21/1 tại Hà Nội, Đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng cục Tham mưu Cảnh sát (bộ Công an) cho biết lực lượng công an, biên phòng của 25 tỉnh giáp biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc đã tổ chức gần 600 cuộc giao ban 3 cấp, hơn 2.000 cuộc hội đàm, trao đổi gần 5.000 thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người. Trong 5 năm qua, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 1.752 vụ (chiếm 90% tổng số vụ mua bán người), bắt 2.750 đối tượng phạm tội mua bán người ra nước ngoài. Riêng 5 đợt tổ chức cao điểm theo từng năm, đã điều tra, khám phá 579 vụ, bắt 807 đối tượng.
Quang Sơn