Đã có nhiều cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền trung. Nhưng tới ngày 27/4 (tức sau ba tuần), mới chỉ công bố sơ bộ nguyên nhân xảy ra sự việc (do độc tố hoá học của con người và trên biển hoặc do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ).
Điều này hoàn toàn khác với cách ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả của lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (đội mũ, phải) ăn cá tại cảng cá Thọ Quang để dân an tâm. (Ảnh: Anh Tuấn)
Cụ thể, nếu sáng 30/4, hàng chục cán bộ Thành phố Đà Nẵng đồng loạt xuống tắm biển để chứng minh nước biển không bị ô nhiễm thì trong buổi chiều cùng này, Chủ tịch UBND Thành phố – ông Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các sở ban ngành đã trực tiếp xuống kiểm tra tại cảng cá Thọ Quang ở quận Sơn Trà và ăn cá nục hấp ngay tại đây.
Rõ ràng, hành động có ý nghĩa này đã gây dựng lại niềm tin cho người dân về sử dụng cá biển và phần nào thúc đẩy “dây chuyền” các dịch vụ liên quan trở lại bình thường sau một thời gian bị “gián đoạn”.
Bao giờ cũng vậy, việc làm thực tế dù hết sức nhỏ bé vẫn có sức mạnh hơn ngàn lời nói suông. Cũng giống như điều mà cha ông ta luôn xem trọng “nói đi đôi với làm” hay “nói ít làm nhiều”. Cách làm này thể hiện cái tâm của người lãnh đạo, xem nỗi lo lắng của dân là nỗi lo lắng của chính mình.
Đây cũng là một trong những yếu tố trợ lực cho các bước phát triển vượt bậc của Đà Nẵng – thành phố được mệnh danh là nơi “đáng sống” của Việt Nam và nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức, đánh giá.
Quang Châu
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả